Chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với nhiều tiện ích mang lại, chuyển đổi số (CĐS) đang được tỉnh ta quan tâm, đẩy mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó giúp người dân tiếp cận các chính sách dân tộc nhanh chóng, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước, người dân dần quen với việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám, chữa bệnh (KCB). Bệnh nhân Vạn Thị Thu Thủy, khu phố 6, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) chia sẻ: Từ khi được tích hợp các loại giấy tờ trên CCCD, tôi không phải mang theo nhiều giấy tờ, thủ tục khi đi khám bệnh, việc tra cứu thông tin, hồ sơ bệnh nhân dễ dàng, đầy đủ, giúp tôi tiết kiệm được thời gian. Để giúp người dân dần thay đổi thói quen trong công tác KCB, Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước trang bị 3 thiết bị đọc thẻ CCCD; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiệt tình hướng dẫn giúp bà con chủ động tham gia. Điều dưỡng Lâm Nữ Nga, nhân viên tiếp nhận bệnh cho biết: Việc sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi KCB không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người dân mà còn tạo thuận lợi giúp cán bộ y tế tối ưu quy trình KCB và thanh toán BHYT, nâng cao công tác quản lý, tăng độ chính xác trong việc thanh, quyết toán BHYT. Đến nay, gần 90% bệnh nhân thực hiện khám bệnh bằng thẻ CCCD; việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước tiếp nhận người dân đến khám bệnh bằng thẻ căn cước công dân.

CĐS không chỉ giúp người dân thuận tiện trong công tác KCB mà còn giải pháp tối ưu để chuyển tải, phổ biến các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đến bà con đồng bào DTTS. Không còn phải gọi điện thoại cho từng người, hoặc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chỉ với chiếc điện thoại thông minh ông Quảng Đại Thính, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Quản lý khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) dễ dàng đăng tải thông tin trên các nhóm Zalo kết nối với tất cả các hộ dân trong khu phố. Nhóm Zalo chuyển tải thông báo họp thôn, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, vận động ủng hộ các quỹ, các hoạt động nhân đạo từ thiện, việc hiếu, thăm hỏi ốm đau cũng như các chính sách dân tộc... Qua đó thông tin được truyền tải đến bà con một cách nhanh chóng và kịp thời, các thành viên trên nhóm còn thảo luận, chia sẻ, phản hồi ý kiến của mình lên nhóm. Nhiều sự việc sau khi được người dân góp ý đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Ông Thính chia sẻ: Thông qua các nhóm Zalo giúp tôi kết nối với người dân nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí xăng xe mà công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả cao.

Cuộc cách mạng 4.0 còn là “đòn bẩy” quảng bá sản vật, đặc sản, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng cao. Đơn cử như các mô hình du lịch sinh thái, nét văn hóa của đồng bào hay những nông sản ở Phước Bình (Bác Ái) được nhiều du khách biết đến thông qua mạng xã hội, các fanpage... Anh Katơr Chinh, quản lý Khu du lịch TaGu Glamping (xã Phước Bình) chia sẻ: Để tiếp cận khách hàng, chúng tôi lập fanpage để quảng bá, giới thiệu phong cảnh cũng như các dịch vụ ở khu du lịch, qua đó khách có thể xem, trực tiếp đặt dịch vụ trực tuyến trên mạng thông qua trang Facebook rất tiện lợi. Từ đầu năm đến nay khu du lịch tiếp đón hơn 1.000 khách vãng lai và 500 khách đến lưu trú, trải nghiệm...

Nằm trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, CĐS là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để việc CĐS trong vùng DTTS đạt hiệu quả, việc nâng cao nhận thức và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho đồng bào là hết sức cần thiết. Nắm bắt được điều này, trong năm qua Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn với hơn 200 người; Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp tổ chức tập huấn cho 90 người đồng bào DTTS, nhằm hỗ trợ giúp người dân tra cứu, tiếp cận thông tin, ứng dụng vào đời sống và sản xuất. Sau khi tập huấn trở về địa phương, mỗi học viên sẽ “cầm tay, chỉ việc” giúp người dân tiếp cận ứng dụng CNTT vào đời sống và sản xuất; nắm bắt kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Cùng với công tác tập huấn, Ban Dân tộc tỉnh tập trung lãnh đạo cơ sở đẩy mạnh khai thác hiệu quả ứng dụng CNTT phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc; tuyên truyền, thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS tại cơ sở; trang bị thiết bị giúp người dân truy cập internet. Theo đó, thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh đầu tư hệ thống phòng họp trực tuyến tại đơn vị; trang bị 56 máy vi tính xách tay cho 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi phục vụ công tác báo cáo thông tin kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình do Ủy ban Dân tộc xây dựng, sử dụng kết nối họp trực tuyến. Ngoài ra, trang bị 107 máy điện thoại thông minh cho những người có uy tín, tạo thuận lợi trong việc kết nối, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS. Đồng thời từng bước hoàn thiện Đề án CĐS trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Với những kết quả mang lại, CĐS bước đầu giúp người dân đồng bào DTTS rút ngắn khoảng cách địa lý, dễ dàng tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, từng bước cải thiện đời sống người dân.