Phát triển hệ thống thủy lợi góp phần giúp người dân Bác Ái nâng cao thu nhập

Những năm qua, nhờ được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư nhiều công trình, hệ thống thủy lợi đã giúp nhiều vùng đất hoang hóa, vùng gò, đồi ở huyện miền núi Bác Ái một thời bỏ hoang, nay được phủ xanh nhiều loại cây trồng, qua đó giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Trong chuyến công tác về xã Phước Hòa vào đầu tháng 12 năm nay, chúng tôi ghi nhận sự khởi sắc của vùng nông thôn miền núi đang chuyển mình. Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả với các giống: Bưởi da xanh, mít Thái, mãng cầu dai với diện tích gần 8 sào của gia đình Pi Năng Thiện ở thôn Chà Panh mới thấy cách thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của bà con Raglai nơi đây. Ông Thiện cho biết: Cuộc sống của gia đình tôi trước đây bấp bênh do chỉ sản xuất được một vụ với các loại cây trồng như đậu, bắp phụ thuộc vào nguồn nước ở các suối gần rẫy, vào mùa khô thường thiếu nước. Từ ngày công trình đầu mối hồ Sông Cái - hệ thống thủy lợi Tân Mỹ chặn dòng, tích nước giúp nguồn nước ổn định để bà con tưới cho cây trồng nên không còn lo cảnh thiếu nước nữa. Gia đình quyết định đưa các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để trồng, đến nay đã được 4 năm, cho thu hoạch được 2 lứa, mang về nguồn thu nhập trên 40 triệu đồng. Cùng chung niềm vui với gia đình ông Thiện, nhờ nguồn nước tưới của hồ Sông Cái nên 6 sào bưởi da xanh của gia đình ông Katơr Tâm ở thôn Chà Panh phát triển xanh tốt. Ông Tâm, chia sẻ: Vườn bưởi da xanh của gia đình tôi trồng được hơn 3 năm, hiện đang cho lứa trái đầu tiên. Trước đây gia đình tôi sử dụng nguồn nước từ giếng khoan và nước ở suối gần rẫy để tưới cho cây trồng. Từ ngày công trình đầu mối hồ Sông Cái - hệ thống thủy lợi Tân Mỹ chặn dòng, tích nước thì bà con có nguồn nước ổn định để sản xuất.

Nhờ nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ giúp nhiều vùng đất sản xuất ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung được hồi sinh.

Đồng chí Lê Thành Mười, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: Từ ngày cụm công trình đầu mối hồ Sông Cái - hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tích nước đã giúp một số vùng đất khát trên địa bàn xã được hồi sinh, qua đó giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đến tháng 10/2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 36,09% (giảm 25 hộ), hộ cận nghèo giảm còn 13,27% (giảm 15 hộ), thu nhập bình quân đầu người đã được nâng lên 21 triệu đồng/người/năm. Trong thời gian tới, xã sẽ quy hoạch mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp ở những vùng chủ động nguồn nước tưới, tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cây trồng thích hợp điều kiện tự nhiên trên địa bàn xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Tại xã Phước Trung, trước đây được ví như vùng “tâm hạn” của tỉnh. Sau khi tuyến kênh TN9, TN11, TN13 thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đấu nối đã giúp gần 40ha đất sản xuất ở thôn Đồng Dày được “hồi sinh”. Vụ mùa năm nay, gia đình anh Katơr Bê ở thôn Đồng Dày canh tác 6 sào bắp lai, hiện cây trồng phát triển rất tốt, đang trong giai đoạn ra trái non. Anh Bê chia sẻ: Trước đây khu vực này sản xuất rất khó khăn do thiếu nước tưới, ruộng rẫy bỏ hoang nhiều. Từ ngày có nguồn nước từ hồ Tân Mỹ dẫn về đã giúp nhiều diện tích đất được hồi sinh, cây cối phát triển xanh tốt, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bác Ái có 5 hồ chứa: Sông Cái, Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung và Phước Nhơn với dung tích thiết kế 302,37 triệu m3; 1 trạm bơm Phước Hòa; toàn huyện có trên 138,84km kênh cấp 2, cấp 3 và kênh vượt cấp; 15 đập thiết kế tưới trên 5.000ha (riêng các hệ thống thủy lợi Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung và Phước Nhơn tưới 4.402ha/4.578ha thiết kế), chiếm 37% diện tích quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động, đáp ứng nhu cầu dân sinh, ngay từ đầu năm huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã tiếp tục việc khảo sát các công trình thủy lợi để tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa công trình thủy lợi phục vụ sản xuất tại các xã Phước Thành, Phước Đại, Phước Chính, Phước Trung, Phước Thắng, Phước Tiến... Tính đến nay, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt trên 56,78% (so với chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025 đạt 62% trở lên). Toàn huyện có 9/9 xã đạt chuẩn về tiêu chí về thủy lợi, qua đó giúp thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20,8 triệu đồng/người/năm.

Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Từ khi các hồ thủy lợi trên địa bàn huyện đưa vào hoạt động đến nay đã cho thấy hiệu quả rất tích cực, nguồn nước về đã giúp hàng trăm hécta đất sản xuất thiếu nước tưới ở nhiều xã được hồi sinh, qua đó giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó còn góp phần cắt lũ cho hạ du, cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn và môi trường sinh thái ở vùng nông thôn.