Giữ vững tăng trưởng nông nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực nông, lâm, thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 vào tháng 9/2024 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực này 3 quý đầu năm 2024 tăng 3,20%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024; đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3,2-4%. Do đó, từ nay đến cuối năm cần nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu.

Tăng trưởng vẫn khả quan

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và nhiều địa phương những tháng cuối năm sẽ chậm lại. Ước tính cả năm 2024, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản đã đưa ra. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm mạnh nhất (0,33%) so với công nghiệp và xây dựng (0,05%) và dịch vụ (0,22%).

Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, toàn ngành nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng khả quan trong 3 quý đầu năm. Cụ thể, 9 tháng năm 2024, sản lượng trên diện tích thu hoạch lúa đạt 34 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Về sản xuất cây lâu năm, mặc dù trong tháng 9 bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, nhưng tính chung 9 tháng vẫn đạt khá. Hầu hết cây ăn quả chủ lực đạt sản lượng cao hơn so với cùng kỳ, trong đó, sầu riêng đạt 984.800 tấn, tăng 16,6%; xoài đạt 858.400 tấn, tăng 3,6%; cam đạt 1.084.400 tấn, tăng 2,3%; thanh long đạt 692.800 tấn, tăng 1,3%. Đối với ngành thủy sản, dù bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 nhưng sản lượng tháng 9 vẫn đạt 890.500 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 7 triệu tấn, tăng 2,4%.

Sự tăng trưởng khả quan này là nhờ có sự bù đắp phát triển mạnh trong sản xuất từ những vùng, địa phương không bị bão lũ, nhất là tại vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, do sản xuất vẫn bảo đảm nguồn cung và ổn định tăng trưởng nên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong 3 quý đầu năm.

Tính riêng tháng 9/2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 5,85 tỷ USD. 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%; cà-phê đạt 4,37 tỷ USD, tăng 39,6%; gạo 4,37 tỷ USD, tăng 23,5%; hạt điều đạt 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; rau quả đạt 5,87 tỷ USD, tăng 39,4%; tôm đạt 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%... Những kết quả đó đã đưa giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nhiệm vụ hiện nay của ngành nông nghiệp và các địa phương phía bắc là khẩn trương khôi phục sản xuất nông, lâm, thủy sản sau cơn bão số 3; toàn ngành tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 3,2-4,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt 57-58 tỷ USD.

Phục hồi sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, sau bão số 3, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, giảm cơ hội kinh doanh và gián đoạn nghiêm trọng vận chuyển các đơn hàng xuất khẩu, chuỗi cung ứng và logistics. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian sửa chữa, khắc phục cơ bản để hệ thống sản xuất trở lại... Ngoài ra, nhiều khu nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, nhu cầu về nguồn cung thủy sản tăng cao. Để khôi phục sản xuất, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ kịp thời, hiệu quả; trong đó, quan trọng nhất là các giải pháp về tín dụng. Đối với các doanh nghiệp thủy sản, hiện VASEP đã kiến nghị các bên bảo hiểm cần hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp có dòng tiền phục hồi sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng sửa chữa trước và hoàn thiện thủ tục sau; đồng thời, đề nghị các ngân hàng xem xét chuyển khoản vay ngắn hạn thành trung hạn để kéo giãn áp lực về tài chính cho doanh nghiệp; cấp thêm vốn lưu động để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng đề xuất các tổ chức tín dụng xem xét gia hạn thời gian chi trả đối với các hợp đồng tín dụng; xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão...

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát lại kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp, xem xét đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương không bị ảnh hưởng đợt bão, lũ vừa qua để chủ động điều tiết, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới; rà soát, tổng hợp kiến nghị của các địa phương về hỗ trợ vật tư, hóa chất xử lý môi trường, giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để người dân khôi phục sản xuất. Các ngành hàng cũng đang có phương án phục hồi sản xuất nhanh nhất, hiệu quả nhất để duy trì đà tăng trưởng.

Đối với xuất khẩu, 9 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng như: Châu Á tăng 17,4%; châu Mỹ tăng 26,1%; châu Âu tăng 34,6%; châu Đại Dương tăng 16,1%... Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 21,6%, tăng 27,5%; Trung Quốc chiếm 20,8%, tăng 10,7% và Nhật Bản chiếm 6,6%, tăng 7,1%.

Những tháng cuối năm, Bộ Công thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; tranh thủ tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và các cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm; khai thác tối đa thị trường truyền thống và khai mở các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.

Theo nhandan.vn