Bác sĩ CKII Lê Huy Thạch, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và của Bộ Y tế, BV đã xây dựng chiến lược, kế hoạch CĐS rõ ràng, cụ thể, phù hợp định hướng Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, với các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, phân bổ nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn và lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, BV đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, thành viên gồm các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các bộ phụ trách công nghệ thông tin đảm nhận vai trò quản lý, giám sát và điều phối các hoạt động CĐS tại đơn vị.
Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, BV đã ưu tiên, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực, triển khai các hệ thống số hóa, tạo nền tảng phục vụ CĐS. BV đã nâng cấp hệ thống mạng, máy chủ; triển khai một loạt các hệ thống quản lý, dịch vụ y tế số hóa, bao gồm: Hệ thống bệnh án điện tử; hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh; hệ thống quản lý tài chính và nhân sự điện tử; hoàn thiện phần mềm bệnh án điện tử tích hợp khám, chữa bệnh (KCB) bằng căn cước công dân (CCCD), thanh toán không dùng tiền mặt; hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh; phát triển dịch vụ KCB trực tuyến... Trong quá trình thực hiện CĐS luôn có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ. BV luôn tạo điều kiện, động viên, khuyến khích nhân viên phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực tìm hiểu và đề xuất các giải pháp công nghệ mới nâng cao hiệu quả công việc và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Với các giải pháp tích cực đã góp phần đẩy mạnh CĐS tại đơn vị. Thời gian đăng ký, làm thủ tục KCB của người dân ngày càng rút ngắn, đơn giản hóa. Quá trình điều trị, công tác quản lý, điều hành được theo dõi sát sao, hiệu quả hơn. Nhờ đó đã nâng cao độ chính xác trong KCB, giảm sai sót y tế. Hiện tỷ lệ bệnh nhân KCB bằng CCCD tại BV đạt trên 80%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại BV đạt trên 30%...
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh ứng dụng công nghệ vào điều trị cho bệnh nhân.
Bà Lê Thị Yên, 71 tuổi, ở phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Trước đây mỗi lần đi khám tại BV Đa khoa tỉnh tôi phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ và đi từ 6 giờ sáng đến để làm thủ tục và luôn có cảm giác lo lắng, ái ngại phải đợi chờ lâu. Giờ chỉ cần mang CCCD đến đăng ký khám. Khám xong mua thuốc thanh toán qua thẻ, thuận tiện hơn nhiều.
Trong công tác KCB, thông qua Đề án 1816, BV vệ tinh, BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã được các BV tuyến trung ương chuyển giao kỹ thuật mới, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ. BV còn chủ động đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại như: MRI, C-Arm, CT 64 lát cắt, hệ thống tán sỏi nội soi laser, hệ thống mổ nội soi qua vi phẫu; đặt stent động mạch vành... Nhờ đó, nâng cao chất lượng khám, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian, công sức cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS, ứng dụng khoa học kỹ thuật tại BV vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo bác sĩ Lê Huy Thạch, dù đã ưu tiên, tranh thủ các nguồn lực, tuy nhiên kinh phí để đầu tư cho công nghệ thông tin, đào tạo, trang thiết bị y tế hiện đại... rất lớn; nguồn tự chủ của BV chưa đáp ứng hết yêu cầu. Ngoài ra, nhiều nhân viên y tế, nhất là các nhân viên đã lớn tuổi hạn chế kỹ năng công nghệ hoặc khó thích nghi với các hệ thống mới; việc số hóa thông tin bệnh nhân và hồ sơ y tế đặt ra thách thức lớn về bảo mật, cần thiết lập các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin mạnh mẽ hơn nữa...
Triển khai hiệu quả hơn nữa công tác CĐS, thời gian tới, BV tăng cường ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động KCB, quản lý, điều hành. Nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống bệnh án điện tử, giúp đồng bộ hóa dữ liệu, dễ dàng quản lý và theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân, giúp cải thiện hiệu suất làm việc của bác sĩ và nhân viên y tế. Tăng cường ứng dụng phần mềm quản lý BV thông minh để tối ưu hóa các quy trình từ tiếp nhận, điều trị đến thanh toán, giúp BV hoạt động hiệu quả hơn. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư thiết bị y tế hiện đại... Tổ chức các chương trình đào tạo liên tục, sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến để nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên y tế trong lĩnh vực công nghệ.
Trước mắt nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 100% người dân khi đi KCB bằng CCCD, hoặc các ứng dụng điện tử như: VssID, VNeID. Giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân trong quy trình KCB xuống dưới 10 phút. Tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 30%. Ít nhất 20% các trường hợp chẩn đoán ban đầu, đặc biệt đối với các bệnh thường gặp như tiểu đường, tim mạch và các bệnh truyền nhiễm được thực hiện thông qua ứng dụng AI. 100% nhân viên y tế được đào tạo và sử dụng thành thạo các công nghệ số trong quá trình làm việc...
Bác sĩ Lê Huy Thạch cho biết thêm: Việc số hóa giúp BV nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, đảm bảo người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Trong quá trình thực hiện BV rất mong sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh cũng như các sở, ngành, đơn vị liên quan. Nhất là chính sách hỗ trợ tài chính để đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng hệ thống kết nối liên thông giữa các BV, trung tâm y tế và các cơ quan liên quan như bảo hiểm xã hội để tối ưu hóa việc chia sẻ dữ liệu, tránh trùng lặp thông tin; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, giúp BV nói riêng và ngành y tế của tỉnh nói chung hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Uyên Thu