Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị - Điểm sáng giảm nghèo
Trước đây, đồng bào Raglai tại xã Ma Nới (Ninh Sơn) ít chú trọng đầu tư vào phát triển cây điều. Bởi theo bà con cây điều cho năng suất kém so với những cây trồng khác, chỉ thu hoạch 1 lần/năm, giá cả lại bấp bênh. Thế nhưng, nay đã thay đổi hoàn toàn khi bà con thấy được hiệu quả tham gia Dự án Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm điều hữu cơ (thuộc nội dung 1 phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi). Dự án thu hút 150 hộ đăng ký tham gia với diện tích hơn 200ha. Xuyên suốt dự án, bà con được hỗ trợ: Giống mới trồng dặm vào vườn cũ, phân bón và chế phẩm sinh học; kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn điều theo quy chuẩn hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định. Qua gần 2 năm thực hiện, vườn điều phát triển xanh tốt, năng suất cao gần gấp đôi so với cũ. Vì thế, bà con rất vui mừng, phấn khởi, trong số đó có hộ chị Katơr Thị Nép, thôn Gia Rót. Nhờ áp dụng đúng các quy trình, chị đã nhận “quả ngọt” ngay từ vụ đầu tiên. Vườn điều rộng 2ha cho năng suất gần 1,7 tấn, được Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop thu mua với giá 26.000 đồng/kg, thu nhập gần 50 triệu đồng, gấp đôi vụ trước. Cùng với đó, gia đình chị nỗ lực lao động, làm thêm nên cuộc sống đã ổn định hơn. Năm nay, chị chính thức thoát khỏi hộ nghèo. Đồng chí Cà Mau Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới chia sẻ: Ngoài dự án này, trên địa bàn xã còn triển khai dự án hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò cái sinh sản tại thôn Hà Dài với 25 hộ nghèo tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Thực hiện các dự án bà con yên tâm sản xuất vì không phải lo đầu ra sản phẩm, giá bán cũng ổn định hơn. Bước đầu, 2 dự án không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo mà còn hướng bà con đến việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Gia đình chị Tà Yên Thị Hợp, thôn Ú, xã Ma Nới (Ninh Sơn) phấn khởi khi nhận hỗ trợ xây dựng nhà
từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay, vùng DTTS đang triển khai và hình thành 6 chuỗi giá trị tại huyện Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Nam. Theo đánh giá, việc triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị đang là điểm sáng giúp bà con thoát nghèo, mở ra cơ hội làm giàu. Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã thay đổi tư duy, cách làm kinh tế của bà con đồng bào DTTS. Từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ đang dần chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn hơn; các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng thuận lợi nên chất lượng, năng suất sản phẩm làm ra được nâng lên đáng kể. Nhờ vậy, người dân yên tâm lao động, có công việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Quan tâm đầu tư toàn diện
Các chương trình, chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh thời gian qua đã tạo động lực cho KT-XH vùng đồng bào DTTS bứt phá phát triển; giúp đồng bào ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong 3 năm (2022-2024), tỉnh ta đã phân bổ 587,68 tỷ đồng nguồn vốn để thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn đã đầu tư hơn 120 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; hỗ trợ và xây dựng hoàn thành được 317 căn nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.930 hộ; tổ chức học nghề cho 327 người; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 539 hộ; xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung; triển khai thực hiện 4 dự án ổn định dân cư tập trung... Việc triển khai đồng bộ các hình thức hỗ trợ đã giúp đời sống của đồng bào tiếp tục được cải thiện; thu nhập bình quân tăng 32,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm còn 13,04%.
Với mục tiêu cụ thể đến năm 2029, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS bằng một nửa bình quân chung của cả tỉnh và giảm số hộ nghèo xuống dưới 10%, tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư triển khai toàn diện, với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục khơi dạy ý chí tự lực, tự cường, đổi mới tư duy và khát vọng thoát nghèo của đồng bào; giải quyết tốt tình trạng hộ nghèo DTTS thiếu đất ở, nhà ở và các chính sách an sinh xã hội; tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, chú trọng đào tạo những ngành nghề phù hợp, gắn công tác đào tạo nghề với hỗ trợ và tìm kiếm việc làm cho người lao động. Quan tâm, đầu tư phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS. Tăng cường đổi mới trong tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ kiến thức để chuyển giao kỹ thuật phát triển sản xuất; phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên của vùng để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Huy động các nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, hộ gặp nhiều khó khăn vùng DTTS..
Lê Thi
* Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu, dân tộc Raglai, thôn Do, xã Ma Nới (Ninh Sơn):
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có văn hóa dân tộc Raglai. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức các lớp truyền dạy biểu diễn, lớp làm nhạc cụ; sưu tầm và bảo quản các tài liệu về các lễ hội, các tập tục; duy trì và xây dựng các không gian lễ hội văn hóa... Tuy nhiên, do sự tác động mạnh mẽ của hội nhập quốc tế, các giá trị văn hóa hiện đại đang xâm nhập mạnh mẽ vào đời sống, nhận được sự thích thú, đam mê từ giới trẻ, đã khiến các em lơ là văn hóa dân tộc mình... Nên tôi nghĩ, tỉnh cần có thêm nhiều giải pháp, hoạt động quyết liệt và thiết thực hơn, trong đó: Xem bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa mỗi địa phương, là sự nghiệp lâu dài của toàn dân, trong đó đồng bào các dân tộc phát huy vai trò chủ thể của mọi hoạt động. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Có chính sách duy trì, phát triển, tôn vinh đối với lực lượng nghệ nhân, những cá nhân nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa dân tộc. Các trường học tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, khơi dạy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ học sinh, xây dựng và phát triển các đội, nhóm văn nghệ cộng đồng, gắn bảo tồn phát triển văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng...n*
* Ông Vầy Phốc Hỷ, dân tộc Nùng, người có uy tín thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn):
Nhờ sự định hướng, hỗ trợ tích cực, đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền và tinh thần chịu khó, vươn lên của bà con đến nay, phần lớn người dân trong thôn Nha Húi có đời sống ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Điểm sáng gần đây là hệ thống thủy lợi cấp II, cấp III thuộc hệ thống kênh Tân Mỹ được đầu tư, mở rộng đã tạo điều kiện để bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao; đồng thời ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất nên đời sống ngày càng phát triển.
Vinh dự là đại biểu tham dự đại hội DTTS lần này, tôi mong các cấp ủy, chính quyền và ban, ngành tiếp tục quan tâm đời sống bà con DTTS, nhất là xây dựng và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, giới thiệu và hỗ trợ việc làm cho bà con... từ đó gia tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và vật chất cho bà con DTTS n
* Ông Lưu Sanh Thanh, dân tộc Chăm, thôn Như Bình, xã Phước Thái (Ninh Phước):
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, tôi luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết trong toàn dân nói chung và trong đồng bào Chăm tại địa phương nói riêng.
Để phát huy tốt hơn nữa tinh thần đoàn kết trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tạo sức mạnh to lớn xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh, theo tôi, trước hết cần quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện về chủ trương, chính sách nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nói chung và giữa các dân tộc. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức phù hợp để đồng bào DTTS hiểu, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. Tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS, thông qua duy trì và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo trong việc xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, giải quyết hiệu quả ngay từ đầu những mâu thuẫn, bất hòa trong nhân dân.
Thế Quyết