Xác định công tác CĐS là một nhiệm vụ trọng tâm, huyện Ninh Phước đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng phát triển chính quyền số và CĐS sát với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của huyện. Đồng thời, địa phương tập trung đầu tư hạ tầng số và các hệ thống mạng LAN và mạng internet để kết nối thông suốt giữa các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện, cấp xã, thị trấn nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đến nay, các cơ quan nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dụng 3G, 4G được phủ sóng rộng khắp toàn huyện; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị, địa phương được đầu tư tương đối nhằm đảm bảo yêu cầu công việc hằng ngày; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản phần mềm văn phòng điện tử; 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối mạng internet băng rộng, mạng diện rộng của tỉnh và các bộ, ngành trung ương; mạng truyền số liệu chuyên dụng cấp II đã được triển khai, kết nối đến cấp xã. Qua đó, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn thông tin phục vụ chính quyền số, thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết công việc theo chỉ đạo, điều hành của cấp trên, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tổ công nghệ số cộng đồng thị trấn Phước Dân hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số.
Bên cạnh đó, huyện xây dựng và phát triển các hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh để gửi nhận văn bản điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước của huyện với tỉnh, xã qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Xây dựng hệ thống phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh theo Đề án 06 đảm bảo đúng thời gian quy định. Ngoài ra, huyện chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 28 lĩnh vực khác theo Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các lĩnh vực phát triển kinh tế số, xã hội số được triển khai toàn diện. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số, thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử; hỗ trợ CĐS trong các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, hóa đơn điện tử, các nền tảng số; triển khai kết nối thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ quan, đơn vị, trường học... bằng các phương thức như đặt POS, quét mã QR, chuyển khoản qua số tài khoản hoặc dùng ví điện tử. Lĩnh vực xã hội số, huyện đẩy mạnh triển khai các nền tảng hỗ trợ giáo dục và dạy học; hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, công dân số. Hiện nay, 100% các trường học ứng dụng các phần mềm giáo án điện tử, phần mềm quản lý dữ liệu ngành, phổ cập giáo dục. Trong lĩnh vực y tế đã triển khai ứng dụng phần mềm tạo hồ sơ sức khỏe điện tử tại các trạm y tế xã, thị trấn; khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp... Đối với thực hiện Đề án 06, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch triển khai chữ ký số cho người dân, thành lập các điểm cung cấp chữ ký số cho người dân; thực hiện đăng ký chữ ký số cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả trong điều hành, giải quyết công việc thuận tiện, nhanh chóng và giảm chi phí cho người dân để hướng đến chính quyền điện tử, chính quyền số.
Có mặt tại bộ phận “một cửa” của thị trấn Phước Dân, dù có khá đông người dân đến giải quyết thủ tục hành chính nhưng các hồ sơ được xử lý rất nhanh. Đồng chí Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” luôn phối hợp, hỗ trợ người dân từ khâu tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả. Vì vậy, hầu hết các thủ tục hành chính mà người dân yêu cầu được giải quyết nhanh chóng, không phải đi lại nhiều lần. Anh Nguyễn Ngọc Minh, khu phố 2, thị trấn Phước dân chia sẻ: Khi đến làm hồ sơ, thủ tục hành chính, tôi được cán bộ tại bộ phận “một cửa” của thị trấn tiếp nhận và hướng dẫn cách thanh toán phí trực tuyến không dùng tiền mặt. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí so với thanh toán tiền mặt, tâm lý khi đến làm hồ sơ, thủ tục cũng thoải mái hơn.
Đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Để việc triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát hạ tầng số để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Tăng cường chỉ đạo bộ phận “một cửa” cấp huyện và các xã, thị trấn đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính trên môi trường mạng; thực hiện chữ ký số, các văn bản điện tử trao đổi qua môi trường mạng tại phần mềm quản lý hồ sơ công việc tại các cơ quan, đơn vị. Tập trung đẩy mạnh Đề án 06, ứng dụng hiệu quả hệ thống định danh và xác thực điện tử để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Triển khai và nhân rộng hồ sơ bệnh án điện tử, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 để thực hiện CĐS, phát triển KT-XH. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng của việc CĐS, cũng như xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của huyện.
Tiến Mạnh