Sản xuất nông nghiệp ở Ninh Hải luôn đối mặt với khó khăn do thiếu nước tưới. Ngoài khoảng 700 ha đất lúa ở xã Xuân Hải, Tân Hải, Phương Hải hưởng lợi nguồn nước từ kênh Bắc sản xuất khá thuận lợi, các khu vực sử dụng nước hồ Ông Kinh, suối Đồng Nha (Nhơn Hải) đến mùa hạn cây trồng thiếu nước nghiêm trọng. Với quyết tâm khắc phục khó khăn, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Qua đó, hình thành các vùng cây trồng tập trung có giá trị kinh tế cao. Hiện nay trên những vùng đất khô hạn ở thôn Thành Sơn (Xuân Hải), Thái an (Vĩnh Hải) hiện diện những vườn nho cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, kết quả đạt được là có sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nông dân triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP. Để nâng cao giá trị mặt hàng nông sản, huyện thực hiện tốt chương trình liên kết sản xuất, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, tạo đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào sản xuất nho, tỏi, hành tím là những mặt hàng nông sản lợi thế của huyện. Diện tích các loại cây trồng đặc thù trên địa bàn huyện do đó ngày càng được mở rộng, ngoài vùng trồng nho xanh ứng dụng công nghệ cao quy mô 70 ha ở xã Xuân Hải, hiện nay giống nho mới NH01-152 còn được đưa vào sản xuất ở xã Vĩnh Hải, mở ra triển vọng làm giàu trên vùng đất khô hạn.
Giống nho mới NH01-152 đưa vào sản xuất ở xã Vĩnh Hải, mở ra triển vọng làm giàu trên vùng đất khô hạn.
Nhằm đánh thức tiền năng sẵn có, huyện quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha ở xã Xuân Hải hứa hẹn tạo đột phá trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện tại, huyện đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, ưu tiên hỗ trợ triển khai các mô hình trồng nho, măng tây xanh trong nhà lưới để tạo ra khối lượng lớn hàng nông sản chất lượng cao, ổn định quanh năm, cung cấp cho thị trường trong cả nước. Đợt hạn hán kéo dài từ năm 2014 đến cuối năm 2016 đặt ra nhiệm vụ cho huyện Ninh Hải là tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dài ngày. Từ đó, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng đặc thù, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hàng trăm ha. Cụ thể, vùng trồng nho ở Xuân Hải, Vĩnh Hải, thị trấn Khánh Hải; hành tím, tỏi ở Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học-kỹ thuật, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, huyện tăng cường công tác khuyến nông, triển khai nhân rộng các mô hình trồng tỏi theo hướng VietGAP; thâm canh giống nho mới; tưới tiết kiệm nước tại các vùng khô hạn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Từ lãnh đạo phát triển nông nghiệp đúng hướng, Ninh Hải dần khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh múm, nhiều sản phẩm như nho, táo, hành tím, tỏi đã gắn kết được với thị trường. Các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn, ứng dụng công nghệ cao được các xã chú trọng triển khai, nhân rộng. Trong thời gian tới, huyện Ninh Hải ưu tiên tiếp tục thực hiện chương trình đẩy mạnh hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển nông nghiệp; chương trình hỗ trợ chuỗi giá trị nông sản hàng hóa; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất nho, tỏi hàng hóa an toàn, xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tuấn Anh