Triệu chứng tác hại: Trên cành và lá nho, vết bệnh lúc đầu có lớp mốc màu trắng xám nhạt, sau đó chuyển sang xám tro, trên đó có các hạt nhỏ màu đen. Quả nho bị bệnh có lớp bột màu trắng hơi xám; khi lau chùi lớp bột trên bề mặt quả nhìn thấy vết bệnh màu xám tro trên vỏ quả. Vết bệnh trên lá phát triển liên kết với nhau làm lá cháy khô thành từng mảng lớn, bệnh nặng thì lá nho bị cháy hết.
Tác hại: Nấm tấn công vào các bộ phận như cành, lá bánh tẻ, lá già và đặc biệt là quả. Trong điều kiện vụ đông - xuân, bệnh thường xuất hiện, gây hại ở giai đoạn sau nở hoa - đậu quả từ 5 đến 7 ngày và kéo dài đến khi chùm nho chín bói. Quả nho bị nấm tấn công sẽ làm nứt, bệnh nặng phải cắt bỏ cả chùm; vì thế, giảm năng suất và chất lượng của nho. Cành nho cũng có thể bị héo khô, quả bị bệnh thì ngừng phát triển, hóa cứng hoặc bị nứt. Quy luật phát sinh và phát triển: Nhiệt độ thích hợp cho nấm phấn trắng hại nho phát triển khoảng 25 – 300C; nấm bệnh có nguồn gốc ôn đới nên thời tiết lạnh (đối với Ninh Thuận, trong giai đoạn từ tháng 12 năm trước đến nữa cuối tháng 2 năm sau) bệnh thường xuất hiện và gây hại phổ biến. Nấm phấn trắng hại nho phát sinh và gây hại nặng vào lúc trời nhiều mây, âm u. Những giàn nho bị rợp và thiếu ánh sáng phù hợp cho sự phát sinh và lây lan của bệnh.
Biện pháp quản lý: Cần bón cân đối các yếu tố dinh dưỡng cho cây nho (đặc biệt là phân đạm), tăng cường sử dụng phân hữu cơ truyền thống và hữu cơ vi sinh. Thường xuyên duy trì chế độ tưới tiêu cho vườn nho hợp lý; đẩy mạnh sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho nho. Tuyệt đối, không để vườn nho có độ ẩm cao, nhất là khi thời tiết âm u kéo dài; duy trì mật độ đầu cành/đơn vị diện tích phù hợp nhằm tạo sự thông thoáng trong vườn nho. Sau khi nho nở hoa, đậu quả bằng hạt tiêu cần tiến hành vệ sinh chùm quả; trường hợp đậu quả nhiều nên tỉa loại bỏ và duy trì 50- 60 quả/chùm nhằm tạo thông thoáng chùm nho. Cắt bỏ và thu gom các bộ phận bị bệnh để xử lý tiêu hủy. Trong giai đoạn bệnh phấn trắng thường xuất hiện và gây hại phổ biến nên sử dụng luân phiên các loại thuốc Lime Sulfur (Calcium Polysulfide), Topsin M 70 WP, Daconil 500SC, Sumi – Eight 12.5 WP, Cythala 75 WP, Champion 57.6 DP, Epolists 85WP, Foscy 72 WP, Love rice 66WP, Piano 18EW, Lervil 50 SC, Bisomin 2SL, Mancolaxyl 72WP, Annongmycin 80SL, Zintracol 70WP, OK - Sulfolac 80WP, Guinness 72 WP, Zineb Bul 80WP,… để phòng trừ nhưng phải tuân thủ thời gian cách ly an toàn. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc không có trong danh mục được cho phép sử dụng trên cây nho do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Phan Công Kiên