Vụ đông-xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh gieo trồng 25.245 ha; trong đó, lúa 16.000 ha, bắp 3.100 ha, diện tích còn lại là rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Đến thời điểm hiện nay, trà lúa sớm gieo vào cuối tháng 11-2017 ở giai đoạn chuẩn bị làm đòng; trà lúa chính vụ gieo đầu tháng 12-2017 ở giai đoạn đẻ nhánh, bà con nông dân ra đồng làm cỏ, bón phân đợt 2. Điểm mới trong sản xuất vụ này là các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và Bác Ái triển khai 9 cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp giống, nho, mía với tổng diện tích 1.044 ha. Tại những nơi này, nông dân thường xuyên thăm đồng theo dõi tình hình sâu bệnh, các khâu làm cỏ, bón phân được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật, nên cây trồng sinh trưởng tốt. Anh Nguyễn Văn Trưởng, ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải (Ninh Hải), cho biết: Các vụ trước, thời điểm lúa đẻ nhánh, làm đòng thường xuất hiện các loại sâu đục thân, cuốn lá, cỏ dại lấn át lúa, trong vụ này bà con chú trọng làm đất thuần thục, sử dụng giống xác nhận nên đã khắc phục được tình trạng trên.
Nông dân huyện Ninh Phước sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”
phòng sâu bệnh trên cây lúa.
Cũng như trước đây, bước vào mùa vụ mới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch hại, điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh thông báo kịp thời cho nông dân chủ động phòng, trừ. Bên cạnh việc đốt bẫy đèn theo dõi diễn biến sinh vật gây hại ở vùng trọng điểm trồng lúa, công tác kiểm soát sâu bệnh còn được mở rộng thêm ở những địa phương triển khai xây dựng cánh đồng lớn sản xuất bắp, nho. Ngành chức năng cũng đã tiến hành thực hiện đồng bộ các biện pháp điều tiết nước hợp lý đảm bảo cây trồng phát triển tốt. Báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh tích đầy nước đủ tưới cho cây trồng vụ đông-xuân 2017 - 2018. Để tích trữ nước phục vụ sản xuất các vụ tiếp theo, nhất là vụ hè - thu tới, công ty vận động các địa phương nhân rộng mô hình quản lý tưới nước có sự tham gia của người sử dụng đang áp dụng có hiệu quả ở các vụ trước. Đơn vị cũng đã xây dựng lịch điều tiết nước hợp lý, ưu tiên ở những vùng chuyển đổi cây trồng cạn, hạn chế tối đa nước tưới đối với cây lúa gieo ngoài kế hoạch.
Trong vụ đông-xuân năm nay, toàn tỉnh chuyển 750 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dài ngày như nho, táo, măng tây xanh… Nhờ các huyện chủ động rà soát, xác định vùng, quy mô, đối tượng cây trồng đề xuất nhu cầu, tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh nên người dân có điều kiện chuyển đổi đạt kế hoạch đề ra. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang phối hợp mở lớp tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp với từng loại cây trồng. Đối với cây nho ở vùng chuyển đổi, ngành chức năng khuyến cáo bà con chú trọng đầu tư sử dụng công nghệ tưới nước 2 tầng kết hợp (tưới phun mưa ở tầng lá, tưới nhỏ giọt tầng gốc), thay thế hình thức tưới xã tràn để tiết kiệm nước, công lao động vừa không điều tiết được lượng nước thích hợp cho từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Để không lặp lại sự cố một số hộ ở xã Xuân Hải (Ninh Hải) phun thuốc cỏ làm vườn nho bị chết xảy ra vào cuối năm 2017 vừa qua, ngay từ đầu vụ đông-xuân ngành chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động của các đại lý phân bón - thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng kém chất lượng; đồng thời, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vê thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp). Với sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, cùng với sự nỗ lực của nông dân tích cực ra đồng chăm sóc cây trồng, tin tưởng vụ đông- xuân năm nay thu được nhiều kết quả.
Anh Tùng