Tỉnh Ninh Thuận có lợi thế đường bờ biển dài trên 105 km, vùng đặc quyền kinh tế rộng 24.480 km2, trong đó, vùng biển ven bờ có diện tích trên 980 km2, vùng lộng có diện tích khoảng 2.670 km2. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách mang tính động lực thúc đẩy kinh tế biển phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân các xã vùng biển đầu tư khai thác hải sản xa bờ kết hợp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 2.773 tàu cá cùng với hơn 10.000 lao động tham gia hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển. Trong số tàu cá nói trên có 1.036 chiếc từ 90 CV trở lên và trong số này có gần 400 tàu cá đủ điều kiện hoạt động khai thác và dịch vụ trên các vùng biển xa, và đã thành lập được 162 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển với 916 tàu cá tham gia. Có thể nói, nghề cá phát triển đã góp phần đáng kể trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngư dân phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chuẩn bị ngư cụ ra khơi.
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh nhiều ngư hộ tuân thủ việc khai thác hải sản theo quy định của luật pháp trong nước và quốc tế thì vẫn còn một số tàu cá và ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp dưới các hình thức như: Khai thác thủy sản không có giấy phép khai thác hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấy phép; không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản theo quy định; khai thác trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển hoặc đưa lên tàu các loài thủy sản cấm khai thác, khai thác các loài có kích thước nhỏ hơn quy định, vượt quá tỷ lệ cho phép; sử dụng loại nghề, ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; ngăn cản, chống đối việc thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ đối với các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, có một số ngư hộ đã đưa phương tiện và ngư dân hoạt động khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, đã bị bắt giữ và xử lý làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường quốc tế.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đã nêu trong năm 2018?. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Để khắc phục tình trạng ngư dân khai thác bất hợp pháp, đồng thời đảm bảo phát triển nghề cá hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh, yêu cầu đặt ra là các ngành chức năng, liên quan cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể là tập trung vào công tác kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến; kiểm tra tàu cá cập bến, lên cá; kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên biển. Một trong những biện pháp nữa là tổ chức cho các chủ phương tiện tàu cá ký cam kết chấp hành các quy định trong hoạt động đánh bắt thủy sản với “3 không, 1 phải”, đó là: Không sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện; không đưa người và phương tiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài; không khai thác hải sản bất hợp pháp, không đưa tạp chất vào sản phẩm thủy sản, không khai thác hải sản bằng nghề có mắt lưới nhỏ (nghề vây rút mùng). Một phải là phải đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Với những chỉ đạo quyết liệt, giải pháp cụ thể, tin rằng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm nay.
Mai Dũng