Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đầm ấm, vui tươi, sáng sớm Mùng 3 Tết nông dân huyện Ninh Phước phấn khởi tập trung ra đồng chăm sóc, thu hoạch cây trồng vụ đông-xuân 2017- 2018. Bà con nông dân chăm sóc 5.275 ha lúa, trong đó có 664 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ở các xã: Phước Hậu, Phước Thái, Phước Thuận và thị trấn Phước Dân. Anh Lưu Văn Phiến ở thôn Như Bình cho biết gia đình anh xuống giống 3,9 sào lúa trên cánh đồng lớn xã Phước Thái. Đây là vụ lúa đầu tiên nông dân tham gia mô hình cánh đồng lớn, cây lúa sinh trưởng tốt, HTX ứng trước vật tư phân bón giúp bà con thâm canh đúng lịch thời vụ. Hiện nay trà lúa sinh trưởng tốt hứa hẹn cho mùa vàng bội thu.
Nông dân xã Phước Thái (Ninh Phước) ra đồng chăm sóc lúa
cánh đồng lớn thôn Như Bình. Ảnh: Sơn Ngọc.
Ngoài cây lúa, vụ đông- xuân năm nay, nông dân huyện Ninh Phước gieo trồng gần 1.000 ha bắp, trong đó 600 ha bắp giống tập trung ở hai xã Phước Vinh: 350 ha, Phước Sơn: 250 ha. Các doanh nghiệp hợp đồng ứng trước bắp giống, tiền công chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Sáng sớm Mùng 3 Tết, anh Nguyễn Hữu Ngọc (con trai Anh hùng LLVT Nguyễn Tiệm) ở thôn Phước Thiện 1 (Phước Sơn) ra thăm đồng bắp giống gieo trồng ven bờ Sông Dinh. Đứng trên cánh đồng bắp giống chuẩn bị thu hoạch, anh Ngọc cho biết anh hợp đồng với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam trồng gần 1 ha bắp giống. Thời tiết thuận lợi, cây bắp sinh trưởng tốt, năng suất ước đạt 8 tấn/ha, tăng hơn 1 tấn so với vụ trước. Công ty hợp đồng thu mua bắp giống với giá 8.500 đồng/kg, trừ hết chi phí anh còn lãi ròng trên 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra nông dân còn canh tác 718 ha táo và 436 ha nho. Đây là hai loài cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Sáng Mùng 3 Tết, các chủ vườn huy động lao động ra quân thu hoạch táo phục vụ thị trường Tết. Chị Nguyễn Thị Xuân Thảo ở xã Phước Sơn phấn khởi: Sáng nay, tôi kêu 8 lao động thu hoạch táo cân cho chủ vựa, giá táo xanh 16 ngàn đồng/kg, đây là vụ táo có giá cao nhất từ trước tới nay. Ngay trong ngày đầu xuân mới, gia đình hái bán 5 tạ, thu nhập 8 triệu đồng…
Sáng ngày 18-2 (Mùng 3 Tết), ngư dân trong tỉnh đã vươn khơi khai thác hải sản đầu xuân,với niềm tin mang về nhiều tôm, cá trong mùa biển mới; các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đã khởi động trở lại.
Ngư dân Ninh Hải vươn khơi đánh bắt hải sản trong những ngày đầu xuân mới. Ảnh: V.M
Tại Cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải) ngư dân tích cực chuẩn bị ngư cụ cho thuyền ra khơi, bám biển dài ngày, tạo không khí sôi động, tấp nập ngay từ ngày đầu xuân mới. Năm qua, chính quyền địa phương làm tốt công tác chính sách phát triển thủy sản, qua đó năng lực tàu thuyền được nâng lên, nhiều ngư dân có điều kiện nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn, chuyển sang khai thác xa bờ. Xã Thanh Hải được đánh giá là thực hiện có hiệu quả Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản, theo hướng tăng nhanh tàu công suất lớn, giảm tàu công suất nhỏ, hình thành đội tàu lắp đặt các thiết bị hàng hải hiện đại phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Sáng Mùng 3 Tết, một số tàu đã nhổ neo vươn khơi ở vùng biển DK1. Anh Nguyễn Toàn, chủ 3 chiếc tàu lớn, cho biết: Rút kinh nghiệm mùa biển trước, năm nay vui xuân mới nhưng tôi vẫn không quên duy trì liên lạc với những người “đi bạn” nên đã khắc phục được tình trạng thiếu lao động làm nghề biển, tinh thần của các thành viên trên tàu phấn chấn, tin tưởng chuyến ra khơi đầu xuân mới thu được nhiều kết quả. Nhằm giúp ngư dân bám biển dài ngày, các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đã sẵn sàng cung cấp xăng dầu, thực phẩm, thu mua hải sản của ngư dân. Đến Cảng cá Ninh Chữ, thị trấn Khánh hải (Ninh Hải) từ rạng sáng Mùng 3 Tết, chúng tôi chứng kiến không khí nhộn nhịp mua bán hải sản. Niềm vui trong ngày sản xuất đầu xuân lộ rõ trên khuôn mặt của các ngư dân và những người làm dịch vụ thu mua hải sản. Chuyến ra biển đầu xuân của ngư dân làm nghề pha xúc có kết quả vì may mắn gặp đàn mực. Tuy sản lượng khai thác chưa cao, nhưng nhờ giá cao, khoảng 150.000 đồng/kg nên ngày ra khơi đầu xuân mới ngư dân có thu nhập khá.
Sau Lễ hội “khai cửa”, ngư dân xã Phước Diêm (Thuận Nam) ra khơi đánh bắt
hải sản đầu xuân mới. Ảnh: Văn Nỷ
Theo phong tục truyền thống, sau lễ hội “khai cửa” vào sáng Mùng 3 Tết, ngư dân ở các làng biển thuộc xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) bắt đầu vươn khơi trong năm mới 2018 với niềm mong ước “trời yên, biển lặng”, “thuận buồm xuôi gió”. Ngư dân Trần Văn Đông (xã Phước Diêm) cho hay: Sau ba ngày nghỉ Tết, đội thuyền 6 chiếc của tôi xuôi về hướng Nam, đánh bắt cá cơm ở ngư trường đảo Phú Quốc, Kiên Giang…
Diêm dân Ninh Hải ra đồng thu hoạch muối.
Tại các xã: Tri Hải, Phương Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải), chúng tôi bắt gặp diêm dân cũng ra đồng thu hoạch muối ngay những ngày đầu xuân mới. Theo anh Dương Quang Tèo, thôn Khánh Nhơn 1, vụ muối năm trước, thu hoạch bấp bênh, bởi thời tiết thay đổi liên tục, năm nay, nhờ thời tiết đẹp, muối kết tinh sớm và giá muối nền cao khoảng 1000-1.200 đồng/kg, giá muối trải bạt từ 1.500-2.000 đồng/kg nên diêm dân ra đồng thu hoạch muối sớm. Nhiều diêm dân khác chia sẻ: “Làm muối, kể ra cũng dễ nhưng khó thì cũng rất khó. Một năm làm có 8 tháng, trung bình cứ 7-10 ngày thu hoạch một lần, nhưng bán ra có khi đắt cũng gần như “vàng”, có khi rẻ như cho. Nghề này, bấp bênh vậy đó!”. Chuyện làm muối của diêm dân lúc lên, lúc xuống giá cả thị trường thay đổi liên tục. Nhưng điều đáng vui, trong năm qua diện tích muối trải bạt tăng 5ha và sản lượng muối của huyện đạt 119.000 tấn/năm.
Sơn Ngọc- Anh Tùng - Phan Hiếu