Nhiều người lớn tuổi trong làng kể lại: Theo phong tục, từ ngày 25 tháng Chạp đến Mùng 3 Tết (âm lịch) hằng năm, người dân Raglai ở thôn Tà Dương vui “Tết làng”. Năm nay trở lại Tà Dương trong những ngày giáp Tết, chúng tôi nhận thấy cảnh nông thôn có sự đổi thay và khởi sắc đi lên so với trước đây vài năm. Đã có hẹn từ trước, thấy khách từ xa đến, anh Jaghe Hoàng Thọ, Trưởng BQL thôn Tà Dương liền chạy ra mời khách vào trong Nhà Văn hoá thôn cùng ngồi chung với các cụ già trong làng, với bình trà nóng mới pha xong. Cầm ly trà ấm, vừa uống, anh Thọ vui vẻ thổ lộ: Kể từ giữa tháng 9- 2015, xã Phước Thái đạt chuẩn nông thôn mới cũng là lúc làng Tà Dương bắt đầu đổi thay và tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con cũng dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Toàn thôn hiện có 156 ha lúa nước, trong đó lúa “1 phải, 5 giảm” trên 15ha, cho năng suất và thu hoạch cao so với cách sản xuất lúa truyền thống. Phát huy lợi thế chăn thả tự nhiên, cùng với các dự án hỗ trợ của Nhà nước bà con còn tập trung chăn nuôi bò, đến nay toàn thôn có đàn bò 400 con. Sự cố gắng trong sản xuất và chăn nuôi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn. Anh Thọ cũng chia sẻ thêm: Năm nay, “Tết làng” càng vui hơn khi bà con nghèo, gia đình chính sách… được Đảng và Nhà nước quan tâm tặng quà Tết và Chính phủ hỗ trợ mỗi nhân khẩu 15 kg gạo cho bà con ăn Tết…
Đồng bào Raglai thôn Tà Dương gói bánh tét trong dịp “Tết làng”.
Tà Dương trong những ngày này, không khí Tết khá nhộn nhịp, mọi nhà đều treo cờ Tổ quốc, bà con khẩn trương chuẩn bị các phẩm vật dâng cúng tổ tiên, ông bà. Tại Nhà Văn hóa thôn, mọi người tề tựu đông đủ chứng kiến già làng thực hiện nghi thức dâng các lễ vật cúng trời đất, tổ tiên, cầu cho năm mới “mưa thuận gió hoà”, cuộc sống bà con đầy đủ, no ấm, hạnh phúc. Nghi thức cúng “Tết làng” vừa xong, già làng Vi Môn Tơ cho chúng tôi biết: Tục lệ “Tết làng” trước đây có con heo, con bò để cúng trời đất, tổ tiên. Giờ đồng bào đã biết tiết kiệm, thường chỉ còn cúng gà, vịt thôi. Và thời gian vui “Tết làng” cũng ngắn lại. Bởi, đồng bào đã biết nhận thức về thực hành tiết kiệm, dành thời gian cho việc tăng gia sản xuất.
“Tết làng” của đồng bào Raglai thôn Tà Dương không thể thiếu rượu cần, loại rượu được làm từ ngũ cốc. Cùng với đó là điệu múa theo nhịp điệu mã la, “món ăn” tinh thần của đồng bào mỗi khi có niềm vui hay lễ hội truyền thống… Trong niềm vui chung của mọi người, cụ Chamalé Thanh, người uy tín trong làng bộc bạch: Đến nay, đồng bào Raglai ở làng đã thay đổi cách ăn Tết và thời gian vui “Tết làng” chỉ còn 6 ngày, bà con tiết kiệm chi tiêu để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình.
Nhịp điệu mã la được tấu theo hình thức “anh lên thì em xuống, anh xuống thì em lên” thể hiện sự nhường nhịn, hòa đồng để dìu dắt nhau cùng đón niềm vui, sự may mắn trong làm ăn và cuộc sống. Diện mạo nông thôn của đồng bào nơi đây đang từng ngày khởi sắc hơn hòa với nhịp điệu mã la âm vang như báo hiệu bà con Raglai thôn Tà Dương tiếp tục có vụ mùa bội thu trong mùa xuân mới.
Phan Hiếu