Đến nay, toàn huyện có 5 công trình hồ thủy lợi lớn với tổng dung tích chứa trên 31,7 triệu m3 nước. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục hệ thống sông, đập dâng, trạm bơm được phân bố rải rác ở khắp các xã, góp phần chủ động nguồn nước tưới cho trên 60% diện tích canh tác cây trồng hằng năm. Theo ông Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư đưa vào sử dụng đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở địa phương, không chỉ giúp nông dân chủ động mở rộng diện tích canh tác mà còn mạnh dạn áp dụng các phương thức luân canh, tăng vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Hệ thống kênh mương đầu tư hoàn thiện cung cấp nước tưới cho hàng ngàn ha lúa của huyện Ninh Phước.
Nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ cùng với việc khai thác sử dụng hợp lý, từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phát triển. Đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Từ cuối năm 2012, công trình thủy lợi hồ Lanh Ra với dung tích chứa gần 14 triệu m3 nước được đưa vào sử dụng, công trình còn có hệ thống dẫn nước kênh cấp 1 và kênh cấp 2, hằng năm phục vụ nước tưới cho gần 1.700 ha đất nông nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, những năm qua, nông dân có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, đời sống của nông dân cũng được cải thiện đáng kể. Đối với một số vùng thuộc xã Phước Hữu, Phước Thái trước đây rất khó khăn về nguồn nước tưới, từ khi hồ chứa nước Tân Giang, Bàu Zôn được đầu tư xây dựng, diện tích gieo trồng liên tục được mở rộng, nhiều cánh đồng không sản xuất được thì nay đã tăng lên 2-3 vụ/năm, người dân cũng chủ động hơn trong canh tác lúa và hoa màu. Anh Đàng Sỹ Khiêm (thôn Thành Đức, xã Phước Hữu) chia sẻ: Hưởng lợi nguồn nước từ các hồ thủy lợi, cuộc sống của bà con đã thay đổi rất nhiều, nhiều chân ruộng cao trước đây bị bỏ hoang giờ được nông dân trong vùng đưa vào canh tác, năng suất lúa tăng cao, trung bình đạt khoảng 5-6 tấn/ha/vụ…
Ngoài hệ thống công trình thủy lợi để nguồn nước tưới đến tận chân ruộng, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Ninh Phước còn huy động nguồn lực từ nhân dân để tiến hành cải tạo, nâng cấp, kiên cố các tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng với chiều dài trên 300 km. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã vận động người dân định kỳ nạo vét, khơi thông dòng chảy... Nhờ đó, tiến độ xuống giống mùa vụ luôn được được duy trì ổn định. Chỉ tính riêng trong vụ đông-xuân 2017-2018, toàn huyện đã gieo trồng trên 7.800 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích trồng lúa chiếm trên 5.300 ha, bắp hơn 780 ha, rau đậu các loại 1.600 ha… bình quân sản lượng lương thực đạt khoảng 115.000 tấn/năm.
Trong thời gian tới để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, huyện Ninh Phước tiếp tục kết hợp lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khác nhau để từng bước hoàn thiện hạ tầng thủy lợi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi… phục vụ tưới-tiêu ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Hồng Lâm