Có rất nhiều hoạt động của ngành chức năng, các địa phương như tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất trong chế biến các mặt hàng nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình nông nghiệp hữu cơ cũng là giải pháp có tính căn cơ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ triển khai ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) trong vụ hè-thu 2017. Đây là quy trình sản xuất lúa không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chí sạch, giữ gìn môi trường sinh thái và sức khỏe cho người tiêu dùng. Sản phẩm bán ra với giá cao gấp 2 lần so với gạo thông thường cho thấy phát triển nông nghiệp hữu cơ là cần thiết và hợp lý. Thực ra “khái niệm” nông nghiệp hữu cơ được nhắc đến cách đây 5 năm khi tỉnh ta đã chú trọng chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai chương trình sản xuất an toàn với các loại cây trồng lợi thế để nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng nông sản trên thị trường. Theo đó, hàng loạt mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP được triển khai sâu rộng, đã hình thành vùng trồng rau an toàn ở An Hải (Ninh Phước), vùng trồng nho sạch ở Xuân Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải), phường Văn Sơn (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm)… với quy mô hàng trăm ha.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ triển khai tại thôn Tân Lập 2
(xã Lương Sơn, Ninh Sơn) đang được duy trì, phát triển.
Quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cho một số sản phẩm đặc thù đã đưa tỉnh ta trở thành vùng sản xuất sạch lớn thứ 2 trên cả nước (chỉ sau tỉnh Bến Tre) với nông sản chủ lực là nho, táo. Kết quả đạt được là đáng mừng, tuy vậy để hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững còn gặp những khó khăn, vướng mắc, nhất là các thành phần tham gia chuỗi giá trị hàng nông sản chưa sẵn sàng. Mặc dù mô hình nông nghiệp hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội như giảm được chi phí đầu tư do không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhưng công chăm sóc tăng hơn so với phương thức canh tác truyền thống nên một bộ phận nông dân chưa thực sự “mặn mà”. Trong khi đó, doanh nghiệp, các HTX tham gia đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ gặp khó khăn về đầu ra do có sự lẫn lộn giữa hàng chất lượng và kém chất lượng. Anh Đỗ Tiến Cao, Trưởng ban Quản lý thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đang triển khai ở thôn nằm trong kế hoạch duy trì phát triển Dự án xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp do KOICA - CJ (Hàn Quốc) tài trợ được sự hưởng ứng tích cực của nông dân. Tuy vậy, sản phẩm gạo hữu cơ hiện nay chỉ có một nhóm người ngoại quốc đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Lâm Đồng sử dụng với số lượng khiêm tốn. Việc vận động bà con mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ gặp khó khăn về đầu ra do chưa tạo được độ tin cậy đối với người tiêu dùng. Địa phương mong muốn ngành chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đánh giá chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ để nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản sạch, từ đó mở rộng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng không thể “chùn bước”. Thực tế sản xuất nông nghiệp với sự lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học lâu nay đã dần hủy hoại môi trường sinh thái, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, chuyển hướng theo nền nông nghiệp hữu cơ là cần thiết và hợp lý đang được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Để hướng tới đạt mục tiêu, ngành Nông nghiệp đã tham mưu tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
Anh Tùng