Sản xuất nông nghiệp ở Thuận Bắc gặp khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Ngoài một số vùng hưởng lợi nguồn nước từ kênh Bắc, hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu mỗi năm canh tác 3 vụ, phần lớn diện tích đất nông nghiệp còn lại phụ thuộc nước trời sản xuất bấp bênh. Với quyết tâm biến bất lợi thành có lợi, trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp huyện chú trọng vận động nông dân thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu hạn hán, đẩy mạnh chuyển giao KH&KT vào sản xuất, tạo chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng năm 2017, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, huyện đã triển khai, nhân rộng 6 mô hình chuyển giao KH&KT. Qua đó, đã hình thành vùng sản xuất lúa theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, quy mô 1.315 ha; vùng trồng mía quy mô 100 ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm; các khâu làm đất, xuống giống, bón phân sử dụng máy móc hiện đại. Kiên định mục tiêu đa dạng hóa các đối tượng cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở từng khu vực, huyện đã thành công trong xây dựng vùng trồng cây măng tây xanh áp dụng công nghệ cao ở xã Bắc Phong, Lợi Hải, mở ra triển vọng làm giàu trên vùng đất khô hạn.
Huyện Thuận Bắc xây dựng vùng sản xuất măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao ở xã Lợi Hải.
Hướng tới thực hiện đạt mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năm 2018 huyện chỉ đạo tập trung chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, mang tính bền vững, lâu dài, gắn với liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích 63,7 ha; trong đó măng tây xanh 9,3 ha, bưởi da xanh 9 ha, mãng cầu 29,4 ha, tre lấy măng 16 ha. Hoạt động sản xuất ở những khu vực trên theo hướng ứng dụng công nghệ cao với việc áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Cùng với đó, nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, huyện đẩy mạnh chương trình xây dựng 3 cánh đồng lúa lớn quy mô 180 ha ở xã Lợi Hải, Bắc Phong và Công Hải; thành lập các tổ hợp tác liên kết với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang sản xuất mía ứng dụng công nghệ tiên tiến ở xã Phước Kháng và Phước Chiến, quy mô 100ha.
Hoạt động chuyển giao KH&KT vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Thuận Bắc trong năm 2018 còn được mở rộng sang chăn nuôi, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế. Tổng đàn gia súc trên địa bàn là 36.600 con, thời gian qua thực hiện chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn, chăn nuôi có chuyển biến tích cực, đến nay tỷ lệ bò lai sind đạt 51%; tỷ lệ dê, cừu lai đạt 76%. Nhằm khai thác triệt để giá trị các vật nuôi đặc thù, các phòng, ban chuyên môn đang thực hiện kế hoạch phát triển thương hiệu heo đen và gà thả vườn đã được bảo hộ, thành lập 21 tổ sản xuất áp dụng quy trình VietGAP tại các xã miền núi với tổng quy mô đàn 167.000 con.
Anh Tùng