Bí ẩn từ "thánh địa" Cát Tiên

(NTO) "Thánh địa" Cát Tiên nằm bên dòng sông Đồng Nai, thuộc địa phận huyện Cát Tiên (Lâm Đồng). Đây vốn là một đô thị tôn giáo có niên đại khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích hệ thống đền tháp hoành tráng cùng hàng chục ngàn cổ vật quý hiếm. Không chỉ có số lượng lớn, hình thức và chất liệu phong phú, các cổ vật còn chứa đựng những thông điệp bí ẩn thách thức các nhà khoa học.

Bộ sưu tập kỉ lục về Linga và Yoni

Linga và Yoni, sinh thực khí nam và nữ tượng trưng cho sự sinh sôi, trường tồn và hủy diệt được tôn thờ bởi các tín đồ Bàlamôn đã được tìm thấy nhiều tại các di chỉ khảo cổ học trên đất nước ta. Tuy nhiên hầu hết các ngẫu tượng đều được chế tác bằng đá sa thạch với kích thước vừa phải, riêng tại "thánh địa" Cát Tiên, các nhà khảo cổ đã phát hiện số lượng Linga-Yoni với nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau.

Bộ Linga-Yoni lớn nhất Đông Nam Á.
(Ảnh nhỏ: Bức phù điêu bằng vàng mô tả các thần trong đạo Hindu)

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng hiện đang lưu giữ 31 hiện vật Linga-Yoni. Trong đó chất liệu đá 12, vàng 8, thạch anh 3, bạc bọc đồng 2, đất nung 4, đồng 1, bạc 1. Trong bộ sưu tập này, đáng chú ý là bộ Linga-Yoni bằng đá sa thạch lớn và đẹp nhất Đông Nam Á được phát hiện vào năm 2006 tại gò số 1a, cao 2,1m, phần trên cao 0,75m, bệ Yoni hình vuông mỗi cạnh 2,26m được mài đẽo hết sức công phu, hiện vật này được coi là biểu tượng chính của khu thánh địa. Tiếp theo là Linga bằng đồng lớn hình trụ tròn cao 52cm, đường kính 25cm, nặng 9kg bên trong đúc rỗng. Riêng chiếc linga bằng thạch anh cao 25cm, nặng 3,45kg màu trắng đục nhưng khi đưa ánh nắng sẽ chuyển sang mầu trắng trong tinh khiết, đây là Linga bằng chất liệu đá bán quý lớn nhất được tìm thấy ở Việt Nam. Anh Lương Nguyên Minh, Trưởng Ban di tích Cát Tiên cho biết: Thạch anh là loại đá cứng nhưng khi tác động vào rất dễ vỡ bởi được cấu tạo từ các tinh thể hình lục lăng trụ, việc chế tác loại đá này rất khó khăn, chiếc Linga bằng thạch anh này đã được chế tác từ một khối đá thạch anh lớn, tinh khiết, hình dáng rất cân đối, thanh thoát, độ bóng cao, điều này chứng tỏ trình độ cao của những nghệ nhân chế tác thời đó. Bên cạnh 3 bộ Linga-Yoni trên, tại "thánh địa" này còn có nhiều Linga, Yoni bằng vàng, bạc, thạch anh… được chế tác hết sức tinh xảo.

Anh Lượng Nguyên Minh cũng cho biết sự khác biệt về kiểu dáng, cấu trúc của Linga-Yoni tại Cát Tiên so với Linga-Yoni ở một số nền văn hóa khác. Nếu Linga trong văn hóa Champa nghiêng về tả thực thì Linga tại Cát Tiên lại nghiêng về yếu tố tượng trưng. Cấu trúc Linga-Yoni cũng có sự khác biệt, nếu trong văn hóa Champa, Linga với 3 phần biểu tượng của 3 vị nhất thể (tượng trưng cho thần Brahma, thần Shiva, thần Vishnu) được đặt hoàn toàn trên bệ Yoni thì tại Cát Tiên phần dưới của Linga (thần Brahma) lại ở phía dưới bệ Yoni, phần Shiva và Vishnu đặt phía trên Yoni, vì vậy về mặt hình khối, các bộ ngẫu tượng trở nên rất hài hòa, cân đối.

Mặc dù khẳng định "thánh địa" Cát Tiên là một đô thị tôn giáo Bàlamôn và Hindu tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ IV đến thế kỉ VIII. Nhưng ai là chủ nhân thực sự của khu thánh địa? "Thánh địa" này thuộc về vương quốc nào thì đến nay vẫn là câu hỏi bởi khi nghiên cứu về lịch sử cũng như phong cách kiến trúc, nghệ thuật, các nhà khảo cổ nhận thấy di chỉ này có sự khác biệt với các di chỉ thuộc các nền văn hóa cùng thời như Champa, Phù Nam, Chân Lạp.

Bí ẩn từ 265 bức phù điêu bằng vàng

Cũng tại di tích Cát Tiên, các nhà khảo cổ ở đây 265 bức phù điêu bằng vàng. Với kỹ thuật khắc miết và gò nổi, các miếng vàng tập trung thể hiện những chủ đề liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Trong đó nổi bật là hình ảnh các vị thần và vật linh của Đạo Bàlamôn: Thần Brahma, thần Vishnu cưỡi chim thần Garuda, thần Shiva cưỡi bò thần Nadin, hình ảnh các vũ nữ, tu sĩ, chiến binh, người dâng lễ, chim thần, rắn thần, bò thần, các họa tiết trang trí hoa sen, sóng nước, hoa dây. Với những đường nét phóng khoáng mà tao nhã, hài hòa về tỉ lệ, mỗi bức phù điêu bằng vàng thực sự là những tác phẩm nghệ thuật xinh xắn, hoàn mỹ, thể hiện trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa, khéo léo của người xưa.

Điểm đáng chú ý là trong bộ sưu tập phù điêu bằng vàng có hơn 100 bức được trình bày các chữ Phạn cổ. Hệ thống văn tự này đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được.

Ngoài hai bộ sưu tập trên, bảo tàng Lâm Đồng còn lưu giữ và trưng bày hàng nghìn cổ vật khác của di tích. Nhiều cổ vật của di tích Cát Tiên không chỉ là những báu vật mà còn là những bí ẩn đang chờ đợi các nhà khoa học tiếp tục giải mã.