Xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay, 100% thôn, khu phố và 94% hộ gia đình đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Tất cả 28 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng.

Tỉnh Ninh Thuận có 28 xã, thị trấn, với 124 thôn, khu phố là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); có 32 DTTS với 176.452 người, chiếm 24,03% số dân toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay, 100% thôn, khu phố và 94% hộ gia đình đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Tất cả 28 xã vùng DTTS và miền núi đều có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng.

Song song với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đời sống văn hóa ở các vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ông Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bác Ái, cho biết: Huyện có tới 87% dân số là đồng bào Raglai với những nét văn hóa, lễ hội độc đáo, hấp dẫn. Hằng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trên cơ sở đó, các phòng, ban xây dựng và ban hành quy chế làm việc của cơ quan, quy chế văn hóa công sở. Các địa phương chủ động xây dựng, chỉnh sửa hương ước, quy ước thôn và đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội vào các tiêu chí bình chọn gia đình văn hóa. Đến nay, huyện có 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa...

Nghi lễ ăn mừng Đầu lúa mới của đồng bào Raglay xã Phước Hà (Thuận Nam). Ảnh: Ngọc Diệp

Trong nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhiều địa phương như: Phước Bình, Phước Thắng, Phước Đại (Bác Ái), Phước Hà, Phước Ninh (Thuận Nam), Phước Kháng, Phước Chiến (Thuận Bắc)... phát huy vai trò hạt nhân của các nghệ nhân ưu tú, hằng năm, vận động mở nhiều lớp truyền dạy đánh Mã la, hát sử thi, đánh trống Ghinăng, Paranưng... cho người dân trong xã, nhất là thế hệ trẻ, các em học sinh trong các trường học. Đến nay, hầu hết các thôn vùng đồng DTTS có đội văn nghệ dân gian, thường xuyên biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ, tết và tiếp đón du khách. Cùng với đó, các lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm, Raglai như: Lễ hội Katê, Ramưwan, lễ Suk Yơng, lễ ăn mừng đầu lúa mới, lễ bỏ mả, lễ cúng Yang, lễ cưới... được duy trì. Việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức tiết kiệm, an toàn. Toàn tỉnh có 24 trường tiểu học tổ chức dạy học tiếng Chăm và 17 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Raglai.

Với 48 câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được thành lập và nhân rộng, tập trung tại các đơn vị trường học, khu dân cư vùng đồng bào DTTS, các địa phương tích cực tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, chống xâm hại tình dục... nên tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể.

Bên cạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương còn chú ý thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa mới, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh phục vụ đời sống tinh thần của người dân, tạo sự lan tỏa và gắn kết mạnh mẽ trong các cộng đồng dân cư vùng đồng bào DTTS.

Hội thi ẩm thực tại Lễ hội văn hoá Raglai huyện Bác Ái lần thứ II, năm 2024.

Ông Thiên Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh (Thuận Nam) chia sẻ: Chuyển biến rõ nét nhất là việc hạn chế tình trạng hát karaoke. Đây không phải là nét văn hóa mới, nhưng phát triển nhanh trong những năm gần đây. Đặc biệt, từ khi có thêm dịch vụ karaoke di động, loại hình giải trí này gây không ít phiền hà cho người dân, thậm chí, gây xích mích, mất tình làng nghĩa xóm. Trước thực trạng đó, xã Phước Ninh tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đến nay, việc hát karaoke trên địa bàn xã đã đi vào nền nếp. Người dân sử dụng dịch vụ này đã ý thức điều chỉnh âm lượng, có khung giờ hợp lý, không ảnh hưởng đến giờ giấc ngủ, nghỉ của những người xung quanh.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công các mô hình du lịch cộng đồng. Thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) là điển hình trong công tác bảo tồn hai làng nghề: Gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp có hiệu quả thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm và mua sắm trực tiếp tại các làng nghề. Còn tại xã Phước Bình (Bác Ái), những năm gần đây đã rất thành công với mô hình du lịch cộng đồng dựa vào nét độc đáo của văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên. Đến nay, trên địa bàn xã Phước Bình đã có hơn 30 hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn và quảng bá văn hóa đồng bào Raglai đến với du khách thập phương.

Văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các giá trị văn hóa được giữ gìn, phát huy sẽ góp phần hun đúc, khơi dậy mạnh mẽ phẩm chất tốt đẹp của đồng bào các DTTS trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Để thực hiện tốt điều này, công tác quản lý hoạt động văn hóa cơ sở được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trước yêu cầu thực tiễn, vừa qua, UBND tỉnh có Văn bản số 4352/UBND-VXNV về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa cơ sở. Trong đó, nhiều vấn đề được tỉnh đặt ra cho các cấp, các ngành như: Hoàn thiện, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, theo hướng an toàn, tiết kiệm, văn minh; quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke; phát huy hiệu quả và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bền vững, có chiều sâu, chất lượng, thiết thực...