Đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy sinh ít con

Nhờ được tuyên truyền, vận động, hiện nay, các gia đình, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiểu được những lợi ích của việc sinh con ít, góp phần ổn định mức sinh, đảm bảo mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Vợ chồng chị Tà Yên Thị Đoàn ở thôn Tân Hà, xã Phước Hà (Thuận Nam) có hai con gái. Con lớn năm nay vào lớp 3 và con nhỏ mới 7 tháng tuổi. Chị Đoàn chia sẻ: Nhìn thấy thực tế trong thôn, một số cặp vợ chồng đông con nên cuộc sống rất khó khăn, con cái học hành không đến nơi đến chốn. Được cộng tác viên dân số ở địa phương thường xuyên tư vấn, tuyên truyền, vận động, vợ chồng tôi quyết định thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, chỉ sinh hai con để có điều kiện cho con ăn học. Gia đình chị Đoàn là minh chứng cho thấy nhận thức về lợi ích của việc sinh ít con đang dần được lan tỏa tại xã Phước Hà, dù ở đây vẫn còn những thách thức về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Chị Bá Thị Thái Hương, cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Hà cho biết: Địa phương hiện có 806 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đa số người dân vẫn giữ quan niệm “đông con, đông của”, khiến nhiều gia đình rơi vào vòng luẩn quẩn đông con - nghèo đói. Trước tình hình đó, đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để kịp thời tư vấn, cung cấp phương tiện tránh thai cho các gia đình, đặc biệt tập trung chú trọng đến các đối tượng có nguy cơ sinh con thứ ba trở lên, nhóm có con một bề, một bề là gái... Nhờ vậy, người dân chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. Toàn xã hiện có 24/33 phụ nữ thực hiện sàng lọc trước sinh; 4/53 trẻ sàng lọc sơ sinh. Hằng tháng địa phương duy trì cấp phát phương tiện tránh thai miễn phí cho 322 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội. Tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cao...

Cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Hà (Thuận Nam) đến nhà chị Tà Yên Thị Đoàn, thôn Tân Hà tuyên truyền chính sách dân số.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, việc thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP cũng góp phần giảm sinh con thứ ba, đặc biệt ở phụ nữ nghèo vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng dân số toàn tỉnh. Khắc phục khó khăn của huyện miền núi, Thuận Bắc đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện thực hiện ký cam kết nội dung Nghị định số 39 của Chính phủ. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, Thuận Bắc là địa phương duy nhất triển khai tốt Nghị định số 39 với 9 trường hợp được hỗ trợ, chưa có trường hợp nào vi phạm cam kết phải hoàn tiền. Nhận thức người dân về sinh ít con ngày càng nâng cao; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ luôn ý thức về khoảng cách sinh và sinh con đúng chính sách dân số.

Chị Phạm Thị Út Hiền, nhân viên Phòng Kế hoạch nghiệp vụ và Dân số, Trung tâm Y tế huyện Thuận Bắc cho biết: Sinh con ít mang lại nhiều lợi ích, phụ nữ có cơ hội chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiểu biết xã hội và thụ hưởng quyền bình đẳng như nam giới trong các vấn đề sự nghiệp, gia đình; tránh được các tai biến sản khoa trong mang thai và sinh đẻ, trong khi trẻ em được chăm sóc tốt hơn. Để giúp người dân vùng đồng bào DTTS cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, tập trung phát triển sản xuất, nuôi dưỡng và chăm sóc con tốt hơn, ngoài công tác tuyên truyền, huyện còn phối hợp, phát huy vai trò người có uy tín, tạo ra bước chuyển biến mới trong nhận thức của người dân ở từng địa phương. Nhiều gia đình “sinh con một bề” cũng dần thay đổi quan niệm sinh nhiều con để lấy lao động... Dù sinh con một bề là trai, nhưng vợ chồng chị Lượng Thị Kín Thiên ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) quyết định không sinh thêm con mà tập trung làm ăn. Do vậy, khi được cộng tác viên dân số cơ sở tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục nhận tiền chi trả theo Nghị định số 39 chị Thiên vui mừng chia sẻ: Dù gái hay trai cũng là con mình, việc dừng lại ở hai con giúp vợ chồng tôi có điều kiện phát triển kinh tế, chăm sóc các con tốt hơn, sức khỏe của bản thân cũng được đảm bảo. Giờ được Nhà nước hỗ trợ tôi rất vui, vợ chồng tôi sẽ về tuyên truyền để có nhiều người dân thực hiện đúng chính sách và được hưởng hỗ trợ.

Nhờ tranh thủ, phát huy nguồn lực của Dự án 7 về “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi” cùng chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người DTTS ở những xã khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39 của Chính phủ, nhận thức của đồng bào về mô hình gia đình ít con ngày càng được nâng cao, góp phần nâng cao mức sống của đồng bào DTTS; từng bước tiến tới xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ, năm 2024, phụ nữ người DTTS hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người DTTS thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người trong tháng đầu sau sinh con. Người thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con nếu vi phạm phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thực hiện chi trả 18 triệu đồng cho 9 phụ nữ người DTTS thuộc huyện Thuận Bắc thực hiện Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ; 6 trường hợp bị thu hồi tiền hỗ trợ do vi phạm chính sách, sinh thêm con thứ ba.