Một trong những dự án có quy mô lớn, hướng tới cải thiện môi trường bền vững khu vực đô thị, đó là dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm”. Từ nguồn vốn ODA tài trợ của Ngân hàng Thế giới 69,5 triệu USD (1.599 tỷ đồng) và vốn đối ứng 28,4 triệu USD (653,5 tỷ đồng), dự án môi trường bền vững tại Phan Rang - Tháp Chàm với 48 gói thầu được triển khai từ năm 2017 đã chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng đã làm thay đổi diện mạo đô thị, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các kênh mương thuộc các xã, phường trong toàn thành phố. Không chỉ đầu tư xây dựng kiên cố hóa hệ thống kênh mương thoát nước, các công trình thu gom và xử lý nước thải, tạo cảnh quan, nhà máy xử lý nước thải cũng được dự án môi trường bền vững đầu tư đồng bộ.
Hồ điều hòa trung tâm tại phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: A. Tuấn
Từ những vùng đất thấp trũng, kênh mương ngập rác ô nhiễm, nay được thay thế bằng hệ thống cống ngầm, mở ra nhiều tuyến đường mới, có hệ thống công viên cây xanh, đèn chiếu sáng, hồ điều hòa, không gian công cộng cho người dân. Đồng chí Phan Đăng Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Trước đây những hồ nuôi tôm bị bỏ hoang, đầy nước thải tù đọng và rác gây ô nhiễm, nay được đầu tư nạo vét, xây kè trở thành hồ điều hòa, vừa tạo không gian công cộng lý tưởng cho người dân địa phương đến vui chơi, tập thể dục, vừa điều tiết chống ngập úng cho cả vùng. Bên cạnh việc đầu tư vào các hạng mục xây dựng, dự án còn chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về BVMT thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Nhờ đó, người dân dần thay đổi thói quen và hành vi, chung tay gìn giữ môi trường sống.
Là tỉnh có bờ biển dài hơn 105km thuận lợi cho các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch, nhưng cũng trở thành áp lực đối với môi trường nhiều vùng ven biển. Điển hình như bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ từng là một trong những “điểm nóng” phải hứng chịu lượng rác rất lớn từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và du lịch. Nhằm BVMT biển và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, tỉnh đang triển khai một loạt các giải pháp mang tính đột phá như: Ban hành quy chế BVMT biển, lắp lưới chắn rác tại bãi tắm để ngăn rác từ ngoài biển trôi dạt vào bờ. Địa phương cho lắp đặt hàng chục thùng rác dọc bờ biển cùng các khẩu hiệu tuyên truyền giúp người dân, du khách tắm biển có chỗ bỏ rác thuận tiện; giao công ty thu gom rác sử dụng xe sàng rác chuyên dụng trên bãi biển và tàu chạy vớt rác ở trên mặt nước để đưa rác vào bờ để xử lý; trồng thêm cây xanh dọc bãi biển. Nhờ những nỗ lực này, môi trường khu vực ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng sạch đẹp hơn.
Theo đánh giá của của cơ quan chức năng, thời gian qua công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu môi trường quan trọng như độ che phủ rừng, tỷ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được cấp nước sạch... đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 100%; tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,14%.
Hệ thống kênh mương Tp. Phan Rang - Tháp Chàm được đầu tư kiến cố hóa, giải quyết tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường.
Xác định BVMT là chìa khóa cho phát triển bền vững, tỉnh đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trước mắt và xây dựng các kế hoạch lâu dài. Theo kế hoạch BVMT và dự toán kinh phí sự nghiệp BVMT giai đoạn 2025-2027, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn hơn 517 tỷ đồng để thực hiện 55 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT. Trong đó, chú trọng hành động về bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, tỉnh sẽ đầu tư đặt các trạm quan trắc tự động, liên tục để quan trắc chất lượng môi trường không khí và nước mặt; xây dựng mới, sửa chữa công trình xử lý nước thải tập trung; quan trắc định kỳ các thành phần môi trường; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại. Cùng với đó, các đơn vị chức năng tăng cường giám sát BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT; phòng ngừa và ứng phó các sự cố về môi trường; duy trì hoạt động của các tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải vào môi trường; nghiên cứu, đánh giá tác động của các dự án năng lượng tái tạo đối với biến đổi khí hậu...
Để đảm bảo nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, tỉnh tiếp tục đề xuất sự hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về nguồn kinh phí; tạo điều kiện tiếp cận các chương trình, dự án đầu tư BVMT trong nước và quốc tế, tập trung vào quản lý chất thải, xử lý nước thải, tăng cường năng lực quan trắc môi trường và đánh giá tác động biến đổi khí hậu; đầu tư các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững.
Anh Tuấn