Mỗi đầu tháng, bà con thôn Gia Rót, xã Ma Nới (Ninh Sơn) tập trung về nhà cộng đồng thôn để sinh hoạt với tổ truyền thông cộng đồng thôn. Tại đây, các thành viên tổ lồng ghép tuyên truyền các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác BĐG thông qua những câu chuyện thực tế ở đời sống giúp bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu. Ông Pa Nhông Thiết, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng chia sẻ: Dựa vào thực tế, đặc trưng địa phương, chúng tôi sẽ lựa chọn những chủ điểm phù hợp để xây dựng kế hoạch tuyên truyền. Cụ thể, tổ tập trung phần lớn nội dung vào việc phổ biến các quy định về Luật BĐG, ngăn cấm hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) xuất phát từ việc bất bình đẳng trong gia đình. Lý do là bởi trước đây, thôn từng ghi nhận nhiều trường hợp bạo lực gia đình, trung bình mỗi năm có trên 15 vụ. Ngoài ra, tổ còn hướng dẫn, tư vấn bà con cách ứng phó, xử lý các tình hướng liên quan đến BLGĐ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, số vụ việc liên quan đến BLGĐ giảm đi đáng kể. Từ đầu năm đến nay, thôn chỉ ghi nhận 1 vụ việc và được hòa giải thành công. Cùng với đó, tổ còn phối hợp với cán bộ, người dân địa phương tìm hiểu, nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ và trẻ em để phối hợp với địa phương đưa ra các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Kết quả bước đầu, quan điểm, tư duy nhiều phụ nữ và trẻ em gái tại thôn đã có sự chuyển biến, điển hình như: Trẻ em gái được quan tâm, học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh; phụ nữ mạnh dạn vay vốn, học tập nâng cao kiến thức, kỹ thuật sản xuất để làm chủ kinh tế; tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội... Đây chính là minh chứng cụ thể về tính hiệu quả, lợi ích mà tổ mang lại trong công tác BĐG.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền tại buổi tập huấn nâng cao nhận thức và thay đổi
hành vi của nam giới chia sẻ công việc nhà, chăm sóc gia đình với phụ nữ.
Tổ truyền thông cộng đồng thôn Gia Rót là đại diện cho 77 tổ truyền thông cộng đồng do các cấp hội thành lập và duy trì trong thời gian qua. Tổ thuộc Dự án 8 “Thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua quá trình triển khai, tổ được đánh giá là đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.
Ngoài triển khai hiệu quả tổ truyền thông cộng đồng, thông qua các chương trình, đề án của trung ương, tỉnh liên quan đến công tác BĐG, các cấp hội đã tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền phù hợp đến đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân vùng đồng bào DTTS. Đáng ghi nhận là ngoài những hình thức tuyên truyền truyền thống, các cấp hội đã chủ động đổi mới hình thức thông qua: Hội thi, tọa đàm, sân khấu hóa, tọa đàm giao lưu, mạng xã hội... Qua đó, các hoạt động thu hút đông người dân tham gia hưởng ứng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Đơn cử, vừa qua, Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức sự kiện truyền thông và tập huấn nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nam giới chia sẻ công việc nhà, chăm sóc gia đình với phụ nữ cho gần 500 đại biểu là trưởng thôn, thành viên các tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ và các gia đình trên địa bàn huyện Thuận Nam và Thuận Bắc. Những nội dung, khái niệm về: Giới, khuôn mẫu giới, Luật BĐG, các kiến thức chăm sóc gia đình... tưởng chừng như cứng nhắc đã được cán bộ Hội LHPN tỉnh truyền đạt một cách sinh động, cuốn hút hơn thông qua trình chiếu hình ảnh, video; đồng thời tổ chức trao đổi, làm việc nhóm... tạo không khí sôi nổi cho người tham gia. Bên cạnh đó, sự kiện còn là diễn đàn để nam và nữ giới chia sẻ, trao đổi về những câu chuyện về BĐG, cách xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Anh Chamaléa Sam, thôn Là A, xã Phước Hà (Thuận Nam) chia sẻ: Lâu nay, bà con đồng bào luôn nghĩ BĐG là cái gì rất to lớn và khó thực hiện. Thế nhưng qua sự kiện, chúng tôi hiểu rằng bình đẳng giữa nam và nữ xuất phát từ những điều đơn giản. Đối với gia đình, đó là sự chia sẻ, thấu hiểu giữa các thành viên; nữ giới quyền đóng góp ý kiến, cùng nhau quyết định những việc lớn, nhỏ trong gia đình... Đặc biệt, nữ giới có quyền được phát triển bản thân, được tham gia các hoạt động xã hội thay vì như trước đây chỉ áp đặt vào công việc gia đình. Nhân đây, chúng tôi cũng tiếp thu được những kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế tuyên truyền tại cơ sở.
Từ thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền đóng một vai trò quan trọng trong thay đổi nhận thức cũng như hành động của bà con đồng bào DTTS, miền núi về định kiến giới và khuôn mẫu giới. Đây là nền tảng để phụ nữ và trẻ em gái DTTS có cơ hội tiến xa và vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong gia đình và xã hội.
Lê Thi