Để công tác huy động nguồn lực tài chính đạt kết quả cao, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận luôn bám sát mục tiêu, định hướng chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam và áp dụng linh hoạt cơ chế, chính sách về huy động vốn theo quy định của Nhà nước để triển khai thực hiện. Hằng năm, ngoài tổ chức hoạt động “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, đơn vị còn tập trung vận động các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, MTTQ Việt Nam các cấp gửi các nguồn quỹ ngoài ngân sách tạm thời chưa sử dụng vào Ngân hàng CSXH, phối hợp tổ chức hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tích cực tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư để giảm cấp bù cho ngân sách nhà nước. Bà Bùi Thị Liễu, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải (Ninh Hải), chia sẻ: Tổ hiện có 60 thành viên, với dư nợ cho vay trên 2,5 tỷ đồng, ngoài thực hiện đầy đủ việc trả nợ và lãi theo quy định, 100% hộ vay đều tham gia gửi tiết kiệm hằng tháng, với số tiền gần 200 triệu đồng. Nhờ gửi tiết kiệm, giúp hộ vay cân đối hợp lý chi tiêu, hạn chế phát sinh rủi ro tín dụng và từng bước hình thành thói quen tích lũy cho gia đình.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận thăm hỏi tình hình sản xuất của hộ vay tại phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Hồng Lâm
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã dành một phần ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để ủy thác cho ngân hàng, bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của phòng giao dịch Ngân hàng CSXH trên địa bàn, hằng năm huyện luôn quan tâm bố trí ngân sách ủy thác sang ngân hàng, với số tiền hiện đạt 5,4 tỷ đồng. Từ nguồn bổ sung, giúp các chương trình cho vay tại địa phương được thực hiện liên tục, vốn tín dụng phủ kín đến tất cả các thôn trên địa bàn 8 xã và tập trung vào vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, bãi ngang ven biển và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận, đến cuối tháng 9 năm 2024, tổng nguồn vốn đạt trên 3.785 tỷ đồng, tăng 267,1 tỷ đồng so với năm 2023; trong đó, nguồn vốn cân đối từ trung ương 3.196,9 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV là 442,5 tỷ đồng và nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương 145,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát, họp bình xét cho vay công khai, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, với tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 3.776 tỷ đồng, với 82.264 khách hàng/108.739 món vay còn dư nợ.
Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Để góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đề ra đến năm 2025, vốn ủy thác ngân sách địa phương đạt từ 6-8% so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh, đơn vị tiếp tục tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp quan tâm, cân đối vốn ủy thác sang ngân hàng theo chỉ tiêu giao. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng tiền nhàn rỗi, huy động quỹ ngoài ngân sách của các sở, ngành tham gia gửi vào ngân hàng, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đăng Khôi