Ninh Phước thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Toàn huyện Ninh Phước có 22 thôn, khu phố đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); có 5 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi, 2 thôn đặc biệt khó khăn, với 12.034 hộ dân/55.746 nhân khẩu, chiếm 34,44% so với dân số toàn huyện.

Xác định phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Ninh Phước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa các nghị quyết của trung ương, của tỉnh với những giải pháp sát với tình hình thực tế của địa phương. Huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất nông nghiệp ở khu vực vùng đồng bào DTTS; thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện ở mỗi địa phương.

Nổi bật trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, đó là huyện tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm; xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng thâm canh và bán thâm canh tại các địa phương; xây dựng, phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện còn ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi về giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, giúp cho người dân thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi... Qua đó, tạo điều kiện cho người dân vùng đồng bào DTTS phát triển sản xuất, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp gia đình ông Mai Linh, thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh có điều kiện phát triển đầu tư sản xuất hiệu quả.

Thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã và huyện, thông qua các chính sách sách dân tộc nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành giúp đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết: Các chính sách dân tộc được triển khai trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt là thông qua các chương trình, dự án đã hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sinh kế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nhờ đó đời sống người dân ngày càng cải thiện rõ rệt. Là một trong những hộ dân được hưởng thụ các chính sách dân tộc, ông Mang Linh ở thôn Liên Sơn 2 chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có gần 1ha đất rẫy trồng bắp, đậu nhưng chủ yếu dựa vào nước trời nên năng suất bấp bênh. Được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò cái nuôi sinh sản và hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chuỗi giá trị, nhờ đó gia đình đã cải thiện đáng kể đời sống.

Từ năm 2021 đến nay, thông qua các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo, huyện Ninh Phước huy động trên 38,2 tỷ đồng triển khai thực hiện 33 dự án, mô hình sinh kế để hỗ trợ cho 328 hộ đồng bào DTTS tại các xã, thị trấn; hỗ trợ chuyển đổi nghề tại các xã: Phước Hậu, Phước Thái, An Hải và Phước Hải; xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung và phân tán cho các xã, thị trấn; hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho các hộ dân; thực hiện hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng cho các hộ dân tham gia dự án chăn nuôi... Cùng với đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho 20.626 lượt hộ vay vốn, với tổng nguồn vốn 715 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, thông qua các chính sách dân tộc và các chương trình MTQG, huyện đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã kiên cố hóa 100% tuyến đường giao thông trục xã, 90,68% đường trục thôn; hệ thống kênh mương cấp 1, kênh cấp 2 và kênh cấp 3 được kiên cố hóa đảm bảo việc tưới tiêu. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9% và sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%... Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về lao động việc làm, nhà ở, y tế, giáo dục cho người dân cũng được huyện quan tâm chú trọng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 4,79% (năm 2019) giảm còn 2,62% (năm 2023); hộ cận nghèo từ 11,37% giảm còn 8,11% (năm 2023).

Đồng chí Ngô Khánh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền về các chính sách dân tộc và các chương trình MTQG nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng KT-XH thiết yếu cho vùng đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án và thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cho người dân... Qua đó, tạo động lực phát triển KT-XH ở địa phương.