Ninh Thuận: Triển vọng mô hình trồng cây mãng cầu theo hướng GAP ở xã An Hải

(NTO) Xã An Hải, huyện Ninh Phước là địa phương nằm cuối hạ lưu sông Dinh, đa số diện tích tự nhiên là đất cát, khả năng giữ nước kém, nên trong sản xuất nông nghiệp người dân ở đây thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, hết hạn hán lại lũ lụt.

Để giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, năm 2010, thông qua nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã triển khai Dự án "Trồng cây mãng cầu theo hướng GAP trên vùng đất cát ven biển huyện Ninh Phước". Trong đó, dự án đã chọn 2 hộ: Đặng Thị Xuân và Võ Thị Bích, ở thôn Hòa Thạnh, xã An Hải để triển khai mô hình. Qua hơn 2 năm trồng thử nghiệm, mô hình này đang phát triển rất tốt, có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Mô hình trồng cây mãng cầu theo hướng GAP tại
hộ gia đình chị Đăng Thị Xuân, thôn Hòa Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước).

Chị Đặng Thị Xuân, cho biết: Trước đây, trên 5 sào đất vườn, gia đình đã đầu tư trồng nhiều loại cây khác nhau, nhưng do địa hình thôn Hòa Thạnh chủ yếu là đất cát nên đa số các loại cây trồng đều không thuận, lợi nhuận mang lại không đáng kể. Được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh chọn triển khai mô hình, gia đình đã chuyển toàn bộ số diện tích trên sang trồng 500 cây mãng cầu. Qua hơn 2 năm trồng cho thấy loại cây trồng này rất phù hợp với vùng đất địa phương. Cuối năm 2011, một số cây đã cho quả bói, nhưng cũng thu được trên 200 kg quả, với giá bán từ 15 – 18 ngàn đồng/kg, gia đình thu về gần 4 triệu đồng.

Do đặc điểm của cây mãng cầu là sau 3 năm mới cho thu nhập ổn định, vì thế, hiện tại gia đình chị Xuân và chị Bích cũng đang thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Tận dụng khi cây mãng cầu chưa lên cao, gia đình các chị đang trồng xen kẽ thêm các loại cây trồng ngắn ngày như: Dưa, sả... để vừa giữ được độ ẩm cho đất vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó gia đình chị Xuân còn đầu tư thêm 15 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước tưới tự phun mưa trên diện rộng, nên cây trồng trong vườn phát triển tốt.

Kỹ sư Phạm Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, kiêm Chủ nhiệm dự án cho biết: Để giúp bà con tiếp cận kỹ thuật trồng và cách chăm sóc, trong quá trình thực hiện mô hình cán bộ kỹ thuật của Trung tâm trực tiếp xuống tận nơi chỉ dẫn rất tận tình, chi tiết như: Trước khi trồng mỗi hố bón 20 kg phân hữu cơ (hoai mục), khi cây phát triển chỉ bón thêm một ít phân NPK để không gây ô nhiễm đất. Về cách thức trồng, cây cách cây 3m, hàng cách hàng 3m. Đối với chế độ tưới nước, mùa mưa chỉ tưới 1 tuần 1 lần, mùa nắng mỗi tuần 2 lần... nên đã giảm được rất nhiều chi phí về phân bón, công lao động cho bà con.

Dù chỉ là mô hình thử nghiệm, nhưng qua đánh giá của bà con nông dân và chính quyền xã An Hải cho thấy, ngoài mô hình trồng rau theo hướng an toàn thì mô hình trồng cây mãng cầu theo hướng GAP cũng mang lại hiệu quả khá tốt đối với vùng đất cát của địa phương. Vì thế, trong hướng đến, dự án sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để bà con các thôn của xã An Hải có điều kiện được tham gia, nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, cùng địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.