Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT), trưởng thôn, cán bộ cốt cán, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, trở thành “cầu nối” tích cực giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào các dân tộc. Qua đó, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết, chung tay, góp sức xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển.

Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 32 DTTS với 39.478 hộ, với 176.452 nhân khẩu, chiếm 24,03% dân số toàn tỉnh. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đội ngũ NCUT, trưởng thôn, cán bộ cốt cán, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người DTTS đã có nhiều cống hiến trên mọi lĩnh vực của đời sống. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Họ luôn là tấm gương về đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và đặc biệt đã góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và bộ máy chính quyền...

Cán bộ dân tộc thiểu số tích cực vận động, tuyên truyền bà con chăm lo sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế.

Ở mỗi cá nhân, tập thể tiêu biểu vùng đồng bào DTTS đều có những câu chuyện, thành tích khác nhau, nhưng có chung tinh thần trách nhiệm, cống hiến cho địa phương, hơn hết mang lại cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đơn cử như câu chuyện của tập thể cán bộ, nhân dân xã Phước Chính (Bác Ái) nỗ lực thoát khỏi “rào cản” tập quán sản xuất lạc hậu, thay vào đó là mô hình kinh tế mới mang tên “Cánh đồng mẫu lớn”. Với mong muốn thay đổi tư duy sản xuất cho bà con, năm 2020, UBND huyện Bác Ái triển khai Đề án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa tại xã. Để nông dân đồng thuận và tham gia mô hình, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó có vai trò của NCUT ở địa phương, điển hình có bà Chamaléa Thị Nuống ở thôn Suối Khô đã vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con thực hiện. Nhờ đó, mô hình đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Đồng chí Patâu Axá Thị Dem, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chính cho biết: Từ ngày chuyển sang mô hình sản xuất “Cánh đồng mẫu lớn”, các hộ cùng áp dụng một giống lúa, cùng quy trình canh tác và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phun thuốc nên năng suất lúa đạt cao hơn nhiều so với cách làm trước đây, trung bình đạt từ 5-5,5 tạ/sào. Cánh đồng trở nên bằng phẳng, các thửa ruộng được thiết kế theo ô bàn cờ rất tiện lợi cho sản xuất và thu hoạch. Đặc biệt, là thay đổi căn bản tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Hay như tấm gương của ông Châu Kim Mỹ, Trưởng thôn Thành Ý, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) tích cực vận động bà con đồng bào Chăm nỗ lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ông tích cực đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để làm đường giao thông, xây mới trụ sở thôn... Nhờ vậy, đến nay, trên 90% tuyến đường nội thôn, nội đồng được bê tông cứng hóa, bà con tự nguyện tham gia đóng góp hàng trăm triệu đồng để nâng cấp hệ thống thoát nước, xây dựng cổng làng văn hóa, trụ sở thôn Thành Ý... Không dừng lại ở đó, ông Mỹ còn vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy tinh thần “tự lực, tự cường” tích cực lao động sản xuất; đoàn kết hỗ trợ nhau về vốn, con giống; tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, dạy nghề; duy trì, nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa... Nhờ vậy, cuộc sống người dân thôn những năm gần đây có nhiều khởi sắc, bà con nông dân chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân DTTS cũng tạo nhiều việc làm, sản phẩm có chất lượng tốt, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đóng góp đáng kể cho sự phát triển của tỉnh nhà. Tiêu biểu có Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước); ông Tài Chí Dũng, thôn Phước Nhơn 2, xã Xuân Hải (Ninh Hải); ông Thành Lai Chu, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Đội ngũ học sinh, sinh viên, thanh niên tích cực tham gia các phong trào học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, các hoạt động xã hội tại địa phương. Nhiều học sinh DTTS đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, nhiều em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, điển hình như: Em Chamaléa Thị Thúy Trinh, dân tộc Raglai, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thuận Bắc; Em Pi Năng Thị Toại, dân tộc Raglai, học sinh lớp 9 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ninh Thuận; em Trương Thanh Minh, dân tộc Chăm, sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh. Đội ngũ nhân sĩ, trí thức cũng có nhiều đóng góp tích cực đối với ngành giáo dục và đào tạo, lĩnh vực y tế, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật...

Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để đội ngũ phát huy vai trò, năng lực, sức ảnh hưởng trong việc thực hiện công tác vận động quần chúng; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Cần cung cấp thông tin cho NCUT để kịp thời phổ biến, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân tuân thủ quy định của pháp luật. Công tác biểu dương, tôn vinh, khen thưởng phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời, công khai, dân chủ; hài hòa giữa khen thưởng vật chất và động viên tinh thần. Chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua do trung ương và địa phương tổ chức.