* Phóng viên: Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về công tác dân tộc được triển khai trên địa bàn tỉnh?
- Đồng chí Pi Năng Thị Thủy: Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Ninh Thuận có 28 xã. Toàn tỉnh có 32 DTTS với 39.478 hộ/176.452 nhân khẩu, chiếm 24,03% dân số toàn tỉnh. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng bào các DTTS trong tỉnh có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; mỗi dân tộc đều có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, Ninh Thuận nói riêng.
Đồng chí Pi Năng Thị Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh
Trong những năm qua, căn cứ các nghị định, quyết định, thông tư và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định và kế hoạch của UBND tỉnh; trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/1/2022 về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2021, định hướng đến năm 2030; các cấp ủy đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai giải pháp thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; các chương trình, dự án được đầu tư trong vùng đồng bào DTTS&MN, các nhiệm vụ cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân; kinh tế ngày càng phát triển; xã hội ngày càng ổn định, cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong vùng ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Người có uy tín huyện Bác Ái tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Lê Thi
Đến nay, đã có trên 99% hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 99% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được thảm nhựa hoặc bê tông; 75% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; trên 96% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chỉ còn 5.149 hộ/21.219 nhân khẩu (giai đoạn 2019-2023 bình quân mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo), hộ cận nghèo DTTS 3.517 hộ/16.664 nhân khẩu, chiếm 8,91% so số hộ DTTS. Mạng lưới giáo dục và đào tạo các cấp ở vùng DTTS ngày càng mở rộng, phát triển đến tận xã, thôn đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, tạo điều kiện cho con em các dân tộc trong tỉnh thuận lợi hơn. Công tác chăm sóc sức khỏe cho vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng được nâng cao; 27/28 (96,4%) xã vùng đồng bào DTTS&MN đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 26/26 (100%) trạm y tế xã miền núi có bác sĩ. Số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào DTTS tăng hằng năm, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai đạt nhiều kết quả đã làm thay đổi diện mạo vùng DTTS ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tình hình an ninh trật tự trong vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, thuận lợi cho việc triển khai các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH tại địa phương.
* Phóng viên: Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc và công tác dân tộc, trong thời gian tới, tỉnh cần có những giải pháp gì?
- Đồng chí Pi Năng Thị Thủy: Với mục tiêu phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư từ trung ương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để đưa kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, trong thời gian tới, ngoài tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác, chủ động trong tổ chức thực hiện của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân vùng DTTS&MN; tỉnh tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và nâng cao thu nhập của người dân; thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; giải quyết tốt tình trạng hộ nghèo DTTS thiếu đất ở, nhà ở và các chính sách an sinh xã hội; tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, chú trọng đào tạo những ngành nghề phù hợp, gắn công tác đào tạo nghề với hỗ trợ và tìm kiếm việc làm cho người lao động. Quan tâm, đầu tư phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS; thực hiện tốt công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Tăng cường đổi mới trong tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học - kỹ thuật phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên và xã hội của vùng DTTS&MN của tỉnh; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nguồn vốn xây dựng mô hình theo Chương trình OCOP của từng địa phương, đơn vị.
Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN, bằng các chương trình, hành động cụ thể; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí, tự lực tự cường, tinh thần chủ động vươn lên trong sự nghiệp phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; chú trọng phát hiện, lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình từ các phong trào thi đua, bồi dưỡng các nhân tố mới, điển hình mới, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên từng lĩnh vực công tác dân tộc để làm nòng cốt; tổ chức các hoạt động giao lưu, nêu gương, tuyên truyền rộng rãi về điển hình tiên tiến, về mô hình hay, cách làm hiệu quả tạo, tạo sự lan tỏa đẩy mạnh phong trào thi đua trong vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin rằng trong thời gian tới, đồng bào các DTTS tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên, đoàn kết một lòng, ra sức thi đua yêu nước, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển KT-XH, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
-----------------
Đồng chí Châu Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam (Thuận Nam):
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm, triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc đến với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo mọi điều kiện để bà con nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần. Đồng thời, bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương tuân thủ và chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chủ động, mạnh dạn trong đầu tư, nhân rộng và phát triển kinh tế các mô hình kinh tế hiệu quả; góp sức, chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, hiện đại. Điểm sáng gần đây, thông qua công tác vận động, tuyên truyền, 100% hộ dân có đất thuộc dự án tuyến đường Văn Lâm- Sơn Hải đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công, triển khai. Đến nay, tuyến đường cơ bản gần được hoàn thành, tạo diện mạo khang trang về hạ tầng cơ sở cũng như kết nối giao thông thuận tiện.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cốt cán, người có uy tín, chức sắc trong vận động, tuyên truyền bà con bảo tồn, giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp về văn hóa dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội...n
* Bà Mang Thị Điền, người có uy tín thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc):
Nhận thức vai trò và niềm tin của nhân dân đặt lên mình, tôi luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, tôi xác định xây dựng nông thôn mới là động lực để khơi dậy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Vì vậy, tôi đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu hơn ý nghĩa và giá trị mà nông thôn mới mang lại. Thông qua đó, bà con chung tay hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực như: Hiến đất, ngày công để thực hiện các công trình dân sinh; nỗ lực lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững... Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp nhằm phòng, chống tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; vận động tuyên truyền cho học sinh không nghỉ cách nhật, bỏ học giữa chừng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thôn vẫn còn gặp khó khăn trong công tác giảm nghèo, thu nhập cho người dân vẫn ở mức thấp. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, chính quyền trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là đối tượng phụ nữ, thanh niên; tạo điều kiện về vay vốn ưu đãi cho bà con phát triển kinh tế; đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông... Qua đó giúp thôn Xóm Bằng nói riêng và các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi thu hẹp dần khoảng cách phát triển với đồng bằng, thành thị n
* Em Lượng Thị Hồng Được, Khoa Sư phạm Mầm non, phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận:
Nhìn từ thực tế, em thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục và đào tạo, xem đây là quốc sách để đưa đất nước ngày một phát triển. Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, nhiều nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng trường học, thiết bị trường học; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ ngũ cán bộ, giáo viên đã được thực hiện rộng khắp... Được thụ hưởng từ những chính sách đầu tư này, những năm qua, em luôn nhận thức được trách nhiệm, vai trò của bản thân. Vì vậy, em ra sức học tập và rèn luyện ngay từ trên ghế nhà trường.
Là đại diện cho lứa sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số và miền núi tham gia hội nghị lần này, em mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục. Cụ thể là tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; có chính sách đãi ngộ để thu hút sinh viên giỏi, sinh viên tài năng là con em Ninh Thuận cống hiến cho quê hương.
Bình An -T.Quyết