Đến thăm Trường Khuyết tật Quảng Sơn (Ninh Sơn), chúng tôi không khỏi xúc động trước niềm vui rạng ngời trên gương mặt các em học sinh khi háo hức đón nhận những món quà Trung thu từ các cơ quan, đoàn thể đến trao tặng. Như thường lệ, năm nay trường cũng tổ chức chương trình “Vui hội trăng rằm” cho học sinh toàn trường. Những tiết mục được dàn dựng mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy tình yêu thương của cô giáo cho những “bông hoa khuyết cánh” có thêm động lực, niềm vui tự tin “tỏa hương” hòa nhập cùng cộng đồng. Cô giáo Huỳnh Thục Huyền, người quản lý, hỗ trợ đứng lớp dạy các em tại Trường Khuyết tật Quảng Sơn chia sẻ: Trường hiện đang chăm sóc và giáo dục 16 TEKT tại huyện Ninh Sơn. Các em mang nhiều dạng khuyết tật khác nhau, như khiếm thị, tăng động, hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ... Đối với trẻ khiếm thị, các giáo viên tập trung hướng dẫn cách nghe, phát âm và cảm nhận ngôn ngữ thông qua các dấu hiệu được biểu đạt qua tay, chân, ánh mắt và nụ cười... nhằm khơi dậy sự phát triển tâm hồn của trẻ. Với hy vọng các em có thể tự chăm sóc bản thân và không phải dựa dẫm vào người thân hay xã hội, ngoài việc dạy học chữ và toán, các giáo viên còn kết hợp dạy các kỹ năng gắn liền với sinh hoạt hằng ngày, giúp học sinh nâng cao khả năng tự chăm sóc khi cần. Qua 22 năm hoạt động, Trường Khuyết tật Quảng Sơn đã tiếp nhận 104 TEKT, giúp nhiều em hòa nhập với các trường học trong khu vực như Trường THCS Quang Trung và Trường Tiểu học Quảng Sơn A. Nhiều em sau khi trưởng thành đã có công việc ổn định và lập gia đình, thường xuyên trở về thăm lại các thầy cô. Nhìn thấy sự tiến bộ của con cái, nhiều phụ huynh ở xã Lâm Sơn, Lương Sơn, dù xa xôi, vẫn kiên trì đưa con em đến trường mỗi ngày. Bên cạnh việc dạy trực tiếp tại trường, các giáo viên còn tận tâm hướng dẫn, tư vấn cách chăm sóc và phục hồi chức năng cho 35 TEKT tại gia đình.
Học sinh Trường Khuyết tật Quảng Sơn được học tập, tự tin từng bước hòa nhập cộng đồng.
Là địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng Bác Ái luôn nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động chăm lo TEKT. Toàn huyện hiện có 72 TEKT, trong đó 31 TEKT đặc biệt nặng và 41 TEKT nặng. Để giúp đỡ, bảo vệ, chăm sóc TEKT, hằng năm, UBND huyện chủ động rà soát số TEKT trên địa bàn, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; chi trả các chế độ cho đối tượng bảo đảm đúng thời gian, đúng chế độ quy định. Đến nay, 100% trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% trẻ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được chi trả đầy đủ trợ cấp xã hội với tổng số tiền hơn 79 triệu đồng/tháng. Toàn huyện hiện có 8 cộng tác viên công tác xã hội trong cộng đồng dân cư nhằm quản lý, theo dõi thông tin, kịp thời hỗ trợ, phổ biến pháp luật và các chính sách trợ giúp TEKT. Thông qua hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của các gia đình về quyền được tham gia đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc toàn diện của trẻ. Nhờ vậy, 80% TEKT trên địa bàn huyện được tiếp cận các dịch vụ xã hội, học tập, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giúp các em nâng cao sức khỏe và phát huy khả năng, ý chí, sức sáng tạo. Cùng với việc triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho TEKT dựa vào cộng đồng, huyện còn vận động các tổ chức, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, Ngày Người khuyết tật (18/4), Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để động viên các em có thêm ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood thực hiện qua đó cấp phát sữa cho hàng trăm TEKT có hoàn cảnh khó khăn thuộc huyện Ninh Sơn, Bác Ái. Là trẻ khuyết tật, em Pi Năng Lĩnh ở thôn Trà Co 1, xã Phước Tiến (Bác Ái) bày tỏ vui mừng được nhận quà, được xem múa lân tham gia chương trình “Vui tết Trung thu”.
Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc TEKT, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến TEKT đồng thời tích cực huy động các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ cho TEKT có cơ hội tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó phòng giáo dục và đào tạo các huyện tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh nhận thức và hiểu biết về pháp luật, tính nhân văn, lòng nhân ái đối với học sinh bị khuyết tật giúp các em được tham gia bình đẳng trong mọi hoạt động giáo dục; có chế độ miễn giảm học phí, các khoản đóng góp cho học sinh khuyết tật; vận động các nguồn lực hỗ trợ cho các em học sinh khuyết tật...
Với sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đã “tiếp sức” giúp những “bông hoa khuyết cánh” trên địa bàn huyện Ninh Sơn và Bác Ái nói riêng, TEKT toàn tỉnh nói chung vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.
Mỹ Dung