Kinh tế chủ yếu của đồng bào là sản xuất lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm; một bộ phận có nghề dệt, nghề làm gốm và buôn bán thuốc nam. Từ khi tỉnh Ninh Thuận được tái lập (năm 1992), đặc biệt là khi có Chỉ thị 06/2004/CT-TTg ngày 18/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm” và các chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng nâng lên; an ninh trật tự được ổn định; bản sắc văn hóa được giữ gìn, tình đoàn kết các dân tộc ngày càng được tăng cường củng cố.
Đồng bào Chăm xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác
cây lúa đạt năng suất cao bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Ảnh: Sơn Ngọc
Để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung triển khai các chương trình, dự án cụ thể như chương trình khuyến nông, chương trình xây dựng nông thôn mới, Dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình 134, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường...Đặc biệt là các chính sách xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông, điện...đã góp phần đáng kể thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào Chăm trong tỉnh.
Trên địa bàn các huyện Ninh Phước,Thuận Nam, Ninh Hải đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hồ chứa nước, kênh, đập…để tăng nguồn nước tưới chủ động cho bà con vùng Chăm, đưa sản xuất nhiều vùng từ một vụ lên 2 vụ ăn chắc; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, hình thành nhiều trang trại với mô hình chăn nuôi và trồng trọt kết hợp. Đến nay hầu hết các thôn đều có hệ thống cung cấp nước sạch, với hơn 85% hộ dân sử dụng; 98% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Đường giao thông thuận lợi đến từng khu dân cư; 100% xã có trạm y tế. Các thôn vùng đồng bào Chăm đều có trường học từ cấp mẫu giáo đến trung học cơ sở, hầu hết đều được xây dựng mới khang trang. Toàn tỉnh có 4 trường dân tộc nội trú thu hút nhiều học sinh dân tộc Chăm theo học. Số giáo viên được học chữ Chăm qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng hơn 900 người... Để bà con có được nhà ở khang trang, xóa nhà tạm, nhà dột nát; từ năm 2005 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ kinh phí gần 35 tỷ đồng để xây dựng 1.620 căn nhà; hỗ trợ đất sản xuất cho 41 hộ, với 21,7 ha. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân gần 150 tỷ đồng cho hơn 18,6 ngàn hộ vay vốn sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ sinh viên nghèo…Số lượng các Hợp tác xã vùng đồng bào Chăm hoạt động kinh doanh có hiệu quả ngày càng tăng dần, như HTX Hoài Trung, Hữu Đức, Như Bình, Bàu Trúc, Phú Nhuận…Các làng nghề của đồng bào Chăm đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động tại chỗ; sản phẩm gốm và dệt đã có thị trường trong nước và khu vực. Nhờ thế, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Chăm hiện nay còn 11,16% so với tổng số hộ dân tộc Chăm.
Nghề làm gốm mỹ nghệ tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho đồng bào Chăm làng Bàu Trúc.
Ảnh: Sơn Ngọc
Tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, bố trí sử dụng, đào tạo cán bộ người Chăm. Ở các ngành y tế, giáo dục, cán bộ người Chăm chiếm tỷ lệ cao. Toàn tỉnh có gần 900 đảng viên là người Chăm. Hiện nay có gần 1.500 sinh viên Chăm đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học; có 28 em đang du học ở nước ngoài.
Tuy nhiên, vùng đồng bào Chăm vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là kinh tế-xã hội có phát triển nhưng chưa bền vững; nhiều tiềm năng, lợi thế vùng chưa khai thác đúng mức; một bộ phận đồng bào còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm dưới 5%. Một số phong tục, tập quán lạc hậu, quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và các hình thức cúng kính còn nặng nề, tốn kém thời gian và tiền bạc. Việc truyền đạo và theo đạo trái pháp luật vẫn còn xảy ra ở một vài địa phương.
Để phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế, tỉnh Ninh Thuận xác định trong những năm tiếp theo cần tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm; đảm bảo cho đồng bào được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; đảm bảo phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Tích cực vận động đồng bào phát huy truyền thống dân tộc và bản sắc văn hóa tốt đẹp; giữ gìn tình đoàn kết các dân tộc; đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm; đảm bảo vùng đồng bào Chăm phát triển tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư của Đảng và Nhà nước.
Trần Thị Anh Hoàng
(Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)