Lương Tri vui đón Ramưwan

(NTO) Không khí chuẩn bị vui đón Ramưwan năm 2012 làm cho làng Chăm Lương Tri, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) như nô nức hẳn lên.

Với 670 hộ dân, 3.127 nhân khẩu, Lương Tri là thôn duy nhất của xã Nhơn Sơn thuộc huyện Ninh Sơn có đồng bào Chăm sinh sống. Đây là vùng chuyên trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng. Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, những năm qua, đời sống của bà con trong thôn từng ngày khởi sắc, số hộ khá tăng, hộ nghèo giảm chỉ còn khoảng 7%.

 
Nông dân thôn Lương Tri thu hoạch đậu xanh chuẩn bị vui đón Ramưwan.
Ảnh: Sơn Ngọc

Toàn thôn hiện canh tác 64 ha lúa chủ động tưới ba vụ và 180 ha một vụ, 180 ha đất màu trên cánh đồng Chà Vum “ăn” nước hồ Phước Trung. Nhờ thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, nhiều loại nông sản hàng hóa năng suất cao giúp cải thiện kinh tế nông dân. Toàn thôn có 545 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 83,8% số hộ sinh sống tại địa phương. Người già neo đơn, gia đình chính sách, hộ nghèo được chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, động viên chu đáo. Nhờ đó, thôn Lương Tri được Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn công nhận Thôn văn hóa cấp huyện. Ban phong tục Lương Tri được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Theo lời giới thiệu của cán bộ Mặt trận xã, chúng tôi tìm gặp Trưởng thôn Hứa Văn Thương, người được mệnh danh “ông giáo Thương” của làng Lương Tri này. Ông kể: “Tốt nghiệp trung cấp sư phạm năm 1980, tôi trở về làng dạy chữ cho học sinh tiểu học. Do đông con, đời sống gia đình khó khăn nên sau 10 năm theo nghiệp “gõ đầu trẻ”, tôi về nhà làm kinh tế”. Qua anh, chúng tôi biết được, chừng ba chục năm trước, cả làng chỉ có vài người theo học trung cấp, đến nay, bà con dồn sức đầu tư cho con em học hành chu đáo. Con em Lương Tri thi đua học hành thành tài. Nhiều gia đình, có con làm bác sĩ, giáo viên, cán bộ,… như anh em nhà ông Đạo Văn Thị; có 2-3 con học đại học như gia đình ông Đổng Tam, Lượng Phú Đức…Những khởi sắc của làng Chăm Lương Tri thời gian qua đã đem lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân, nên cứ mỗi mùa Ramưwan đến, bà con lại phấn khởi hơn. Trưởng thôn Thương tiếp lời: “Nếu như năm trước, mùa Ramưwan đúng dịp thu hoạch mùa màng, bà con có điều kiện rủng rỉnh sắm sang, thì mùa lễ năm nay, đang dở vụ hè-thu, có nơi lúa xuống giống mới được mấy mươi ngày. Thế nhưng, không khí Ramưwan đối với bà con vẫn hết sức nhộn nhịp. Lúa đông-xuân được mùa, được giá, bà con dành dụm để gần Ramưwan mua mới vật dụng gia đình, sắm đồ lễ cúng ông bà, tổ tiên và sửa soạn thức ăn cho con cháu vui mấy ngày lễ”.

Ông Đạo Văn Liễu, một trong những “già làng” của thôn Lương Tri bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, cứ dịp Ramưwan là Ban phong tục của thôn đều có nhiều chương trình văn nghệ- thể thao phục vụ bà con đồng bào mình. Những ngày Ramưwan năm nay, bà con trong thôn, từ người cao tuổi, trung niên, thanh niên đến trẻ con, ai nấy phấn khởi được tham gia, được xem thi đấu thể thao, văn nghệ hát múa. Tôi sống cũng hơn 60 mùa lễ Ramưwan, mới thấy những năm gần đây, người dân của mình nhờ làm ăn khấm khá, cuộc sống cải thiện nên không khí cũng vui vẻ hẳn lên”.

Mùa lễ Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Hồi đã chính thức bắt đầu. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế-xã hội của người dân địa phương, bà con người Chăm thôn Lương Tri đang sẵn sàng cho một mùa Ramưwan tưng bừng, vui tươi và tiết kiệm.