Con đường nối thôn Tân Hà với khu sản xuất Anh Dũng thuộc xã Phước Hà (Thuận Nam) dài hơn 7km. Trước đây, trời mưa thì trơn trượt, trời nắng thì bụi mù. Đường đi lại khó khăn, chuyện các hộ gia đình có đất sản xuất ở đây ngủ lại nhiều đêm liền trên rẫy là rất bình thường. Giờ đây, con đường này được bê tông, việc đi lại thuận tiện nên không chỉ người dân canh tác tại khu vực này đi về trong ngày mà vận chuyển nông sản cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Đặc biệt, từ khi được đầu tư, vào dịp hè, khu Anh Dũng đã đón nhiều đoàn khách từ các địa phương khác đến khám phá, trải nghiệm, mở ra hy vọng về phát triển du lịch tại vùng đất này.
Anh Tạ Yên Chĩnh, ở thôn Tân Hà, xã Phước Hà phấn khởi chia sẻ: Những năm qua, xã Phước Hà được đầu tư cầu cống, đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm xá, điện lưới cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân. Bản thân tôi cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi, trồng trọt và tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác.
Học sinh xã Phước Hà (Thuận Nam) được tặng dụng cụ học tập. Ảnh: N.Diệp
Còn tại xã Phước Nam, tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải dài hơn 13km với tổng vốn đầu tư hơn 372 tỷ đồng, đi qua địa bàn nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống đã hiện lên rõ nét. Tuyến đường sắp đưa vào sử dụng, ngoài kết nối giao thông còn kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) liên vùng giữa phía Đông và trung tâm huyện, tác động rõ nét đến đời sống hàng chục hộ dân nơi có tuyến đường đi qua.
Đầu tư hạ tầng giao thông chỉ là một trong số rất nhiều hạng mục công trình mà huyện Thuận Nam tiến hành trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Chỉ tính riêng giai đoạn 2019-2023, huyện đã dành hơn 126 tỷ đồng thực hiện 7 công trình giao thông, 11 công trình thủy lợi, nông nghiệp và 15 công trình dự án khác. Nhờ vậy, mở ra cơ hội kết nối giao thương liên vùng, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy nhiều hoạt động khác.
Đồng chí Châu Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam đánh giá: Các chính sách về vùng đồng bào DTTS được huyện triển khai đúng hướng phù hợp với thực tế mỗi địa phương nên phát huy tác dụng. Tại xã Phước Nam, nơi có 2.974 hộ đồng bào dân tộc Chăm sinh sống với 13.319 nhân khẩu, chiếm 86,1% dân số toàn xã, những năm qua, nhờ các chương trình, chính sách này nên chúng tôi thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, nâng mức thu nhập lên 60 triệu đồng/người/năm và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%, tương đương 63 hộ.
Người dân xã Phước Hà (Thuận Nam) được hỗ trợ cây giống mang về trồng. Ảnh: N.Diệp
Trong nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tăng hộ khá thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân vùng đồng bào DTTS, với phương châm “Trao cần câu hơn trao con cá”, các phòng, ban chức năng, địa phương của huyện nghiên cứu, tìm nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người dân nơi đây. Bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 đến nay, người dân 3 xã: Phước Nam, Phước Ninh và Phước Hà được hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng thực hiện đa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo. Trong đó, chủ yếu tập trung phát triển các mô hình chuyển đổi luân canh giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước, bưởi da xanh, mít Thái; hỗ trợ bò giống và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tư vấn tạo việc làm mới cho khoảng 11.036 lao động; mở 57 lớp đào tạo nghề cho 2.025 lao động nông thôn và cho vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh...
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Tổng nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2023 là hơn 329 tỷ đồng đã thực hiện đầu tư hạ tầng, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nhà ở, công trình phụ trợ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thêm vào đó, huyện cũng triển khai thực hiện các chính sách về giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân; bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS... Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây được nâng lên. Diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang. Đến nay, toàn huyện có 2/3 xã vùng DTTS được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn huyện hiện có là 521 hộ. Xác định phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS một cách toàn diện, nhanh, bền vững là việc làm quan trọng nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các dân tộc trên địa bàn huyện, thúc đẩy sự phát triển chung của huyện Thuận Nam, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền đưa các chính sách này thật sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thức cho người dân. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; tập trung quy hoạch đất sản xuất, giải quyết đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, tìm giải pháp hỗ trợ sinh kế giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống.
Ngọc Diệp