Thời gian qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, chức việc và bà con tín đồ ở vùng đồng bào dân tộc Chăm cơ bản tuân thủ pháp luật, theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận; có tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, sống "tốt đời, đẹp đạo"; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng bào Chăm phấn khởi khi văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc được công nhận là di sản quốc gia và thế giới: Tháp Pô Klong Girai, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016; Lễ hội Katê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) được Tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022... Chức sắc, tín đồ tôn giáo người Chăm trong tỉnh an tâm, tin tưởng khi được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan chức năng và địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) Ninh Thuận và Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn Ninh Thuận tổ chức thành công Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027. Các tổ chức tôn giáo Chăm có chức năng là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể các cấp với tín đồ. Thông qua các tổ chức này, các đơn vị, địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con sống đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ chức sắc trong tín ngưỡng, tôn giáo người Chăm; thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường gặp gỡ, thăm hỏi cốt cán trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm; chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tiêu biểu nhân dịp lễ trọng của tôn giáo, dân tộc; tạo mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, tín đồ tôn giáo; tổ chức Hội nghị gặp gỡ chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc nhân dịp tết Nguyên đán hằng năm. Qua những lần đến thăm, trao đổi thân tình, đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đồng bào Chăm thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng hành cùng dân tộc, sống "tốt đời, đẹp đạo"; tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch do trung ương và địa phương phát động; phối hợp giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu ở cơ sở; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở vùng đồng bào Chăm; củng cố tình doàn kết trong nội bộ dân tộc, tôn giáo và giữa các dân tộc, các tôn giáo ở địa phương.
Để đội ngũ chức sắc trong tín ngưỡng, tôn giáo đồng bào dân tộc Chăm thật sự trở thành lực lượng quan trọng, tham gia cùng với các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động và định hướng dư luận trong cộng đồng người Chăm trong tình hình mới; trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ và nhân dân vùng đồng bào có đạo cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm công tác dân tộc, tôn giáo. Tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, bà con tín đồ và thành viên Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tổ chức thành công Đại hội lần thứ IV của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh.
Thường xuyên củng cố các tổ chức tôn giáo trong đồng bào dân tộc Chăm (Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Ninh Thuận). Đồng thời, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung hiến chương của các tổ chức tôn giáo cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế, theo đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó các phòng, ban của huyện; cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp và cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác dân tộc, tôn giáo của các đơn vị, địa phương; cần quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng tuyên truyền, vận động và cách định hướng dư luận cho đội ngũ chức sắc, người có uy tín, trưởng các tộc họ trong đồng bào dân tộc Chăm để trang bị cho các vị chức sắc những kiến thức cơ bản trong công tác tuyên truyền, vận động. Thường xuyên thăm hỏi chức sắc, chức việc, tín đồ, người có uy tín trong tôn giáo vào những dịp lễ, tết; giúp đỡ kịp thời gia đình chức sắc khi họ gặp khó khăn để động viên, tạo mối quan hệ thân tình; khi tranh thủ vai trò của họ thì hiệu quả mang lại cao hơn.
Tranh thủ và phát huy vai trò của các vị chức sắc, cốt cán tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm để tham gia ý kiến vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu, thấu tình, đạt lý trên cơ sở pháp luật, đáp ứng nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của bà con tín đồ và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng trong nội bộ nhân dân; giải quyết kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tôn giáo theo quy định của pháp luật. Thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Văn Dinh