Theo thống kê, tỉnh ta có 32 DTTS với hơn 170 nghìn khẩu, chiếm 23% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào DTTS chiếm đông nhất gồm: Chăm, Raglai, K’Ho... Ông Bá Bình Yên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Những năm qua, NCUT thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu như: Ngôn ngữ, các nghi thức tổ chức lễ hội, tập quán, nghề truyền thống, nhạc cụ dân tộc... Ngoài ra, nhiều NCUT là các nghệ nhân, nghệ sĩ có sự am hiểu kiến thức về truyền thống dân tộc tham gia trực tiếp trong công tác quảng bá văn hóa; truyền dạy cho thế hệ trẻ; phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trong đồng bào DTTS.
Điển hình như ông Pi Năng Trách, xã Phước Thắng (Bác Ái). Cuộc đời ông gần như gắn bó mật thiết với đàn Chapi, Mã La, thế nên âm nhạc dân tộc không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Càng yêu văn hoá dân tộc Raglai của mình bấy nhiêu thì ông lại càng nặng lòng và trăn trở hơn với việc làm sao để bà con lưu giữ được trọn vẹn những nét đẹp, tinh hoa của dân tộc mình. Nghĩ đi đôi với làm, hơn chục năm về trước, ông phối hợp với chính quyền và các nghệ nhân tại địa phương vận động bà con giữ gìn các bộ Mã La trong tộc họ, gia đình; duy trì 2 đội nhóm Mã La với gần 20 thành viên tại thôn; truyền dạy nhạc cụ cho học sinh các trường học trên địa bàn huyện; tham gia các đoàn văn nghệ biểu diễn, giao lưu văn hóa các dân tộc tại Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước... Ông Trách chia sẻ: Đối với tôi âm nhạc truyền thống Raglai không chỉ là niềm đam mê, đó còn là trách nhiệm xã hội. Bởi khi các giá trị văn hóa được giữ gìn, phát huy sẽ góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong đồng bào DTTS, từ đó thôi thúc tinh thần hăng say trong lao động, học tập trong bà con, góp sức vào sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước. Ngoài ra, ông Trách còn vận động bà con bài trừ các hủ tục lạc hậu. Với những nỗ lực của bản thân, ông Pi Năng Trách được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể năm 2019.
Ông Đàng Chí Quyết ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) tuyên truyền, vận động bà con địa phương bảo tồn văn hóa Chăm.
Cùng chung tâm nguyện này, thời gian qua, ông Đàng Chí Quyết, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cũng đã nỗ lực vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa dân tộc Chăm, nhất là 2 di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng gốm Bàu Trúc”. Không dừng lại ở đó, ông cùng với các nghệ nhân địa phương dạy làm gốm cho thanh thiếu niên; thành lập Câu lạc bộ múa dân gian Chăm; duy trì 2 lớp dạy trống Ghi năng và học hát ngâm Ariya, với gần 80 thành viên tham gia. Với mục tiêu không chỉ xây dựng đội ngũ thế hệ trẻ kế cận những người đi trước mà còn góp phần lan tỏa, quảng bá những nét đẹp văn hóa dân tộc đến du khách trong và ngoài nước, qua đó phục vụ cho sự phát triển du lịch ở làng gốm Bàu Trúc.
Những cống hiến, nỗ lực của NCUT trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc là điều đáng để chúng ta ghi nhận và trân trọng. Bởi những việc làm thiết thực này không chỉ giúp lớp thế hệ sau thêm yêu mến, trân trọng nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh ta nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lê Thi