Ma Nới- những gam màu tươi sáng
Từng là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Ma Nới (Ninh Sơn) hôm nay bình yên nằm tựa mình bên những rặng núi xanh bạc ngàn. Chọn cho mình điểm nhìn thoáng đãng ngay cửa ngõ vào trung tâm xã, Ma Nới hiện lên với sự khang trang, đẹp đẽ. Những ngôi nhà được xây dựng bài bản; trường học, trạm xá được đầu tư kiên cố; hạ tầng giao thông được mở rộng thực sự cuốn hút chúng tôi về sự phát triển bền vững của địa phương. Sự thay đổi lớn hôm nay không chỉ những người phương xa mới nhận thấy mà chính người dân sở tại thấu hiểu hơn ai hết. Chính vì vậy nhân dân địa phương càng trân quý hơn những thành tích đã đạt được và lấy đó làm động lực tiếp tục phát huy trong tương lai. Ngồi lắng nghe lời kể của các tộc trưởng, già làng mới thấy mặc dù đời sống của bà con Raglai tại đây còn găp nhiều khó khăn, nhưng bằng tinh thần cầu thị, vượt khó, những gam màu tươi sáng trong phát triển kinh tế-xã hội đang hiện hữu khắp nơi ở địa phương.
Từ việc quen với tập quán sản xuất lạc hậu, trồng bắp, lúa trên nương và phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, đến nay người dân đã biết áp dụng khoa học-kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ma Nới đã có những cánh đồng lúa, bắp lai, đậu xanh rộng, cho sản lượng cao. Hiện nay, tổng diện tích trồng bắp của nông dân là 850 ha với năng suất bình quân 20 tạ/ha, gần 700 ha cây đậu xanh cho sản lượng 7 tạ/ha, đạt mức xấp xỉ so với miền xuôi. Cùng với đó, nông dân địa phương cũng tận dụng lợi thế đồng cỏ tự nhiên để phát triển chăn nuôi bò, dê, với tổng đàn trên 3.950 con, đứng đầu về số lượng gia súc tại huyện Ninh Sơn. Với những thành quả trong phát triển bền vững nền nông nghiệp địa phương, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 50,3%.
Đồng chí Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Song song với những chuyển biến trong phát triển kinh tế, đời sống văn hóa-xã hội của bà con Raglai nơi đây được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chất lượng giáo dục được nâng lên, phụ huynh có ý thức quan tâm đến chuyện học tập của con cái, nhờ vậy tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trên 95%; hệ thống trạm y tế xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh; địa phương tích cực phối hợp cùng các tộc họ nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Raglai.
Cất cánh ước mơ vươn xa của Phước Bình
Tiếp tục trên những cung đường vượt núi, chúng tôi đến với xã Phước Bình (Bác Ái), nơi nổi tiếng với Bẫy đá Pi Năng Tắc huyền thoại. Nếu như ngày trước quân và nhân dân địa phương anh hùng đấu tranh chiến đấu đẩy lùi giặc ngoại xâm, thì ngày nay nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống ấy trong lao động, sản xuất. Trong quá khứ Phước Bình từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu nên người dân quanh năm vất vả với cái nghèo, thì ngày nay, Phước Bình đang tự hào là xã giàu nhất của huyện miền núi Bác Ái với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 20,56% và thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/năm. Đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Những năm qua, “chìa khóa” thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thì phải nhắc đến sự chủ động của người dân địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như ý chí vươn lên làm kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Có thể khẳng định, nhờ chuyển đổi các loại cây ngắn ngày sang cây ăn quả, mà thu nhập của nông dân được tăng lên đáng kể. Nhiều mô hình nông nghiệp mới, hiện đại đã giúp cho nhân dân địa phương làm giàu chính đáng trên vùng đất quê hương, từ đó, bộ mặt nông thôn cũng trở nên khang trang hơn hẳn. Thêm vào đó, ngoài nâng cao sản lượng cho những sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nông dân tại đây còn linh hoạt đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo hướng VietGap, hướng đến xây dựng giá trị thương hiệu cho chính những sản phẩm mình làm ra. Nhờ vậy, nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng những sản phẩm đặc thù của địa phương như: chuối hạt mồ côi, nấm linh chi, bưởi da xanh.
Phát huy lợi thế về thiên nhiên cùng văn hóa đặc trưng của đồng bào Raglai, những năm gần đây, du lịch Phước Bình đang có những bước tiến bền vững. Tuy nhiên nhìn về tiềm năng sẵn có, Phước Bình còn có thể đi xa hơn nữa, trở thành một trong những điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch nước nhà. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong đầu tư, xây dựng homestay kết hợp với du lịch sinh thái vườn Quốc gia, dự kiến đưa vào hoạt động trong dịp Tết Canh Tý, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin chắc đây là bước ngoặc mới nhằm cất cánh nền du lịch địa phương vươn tầm trong thời gian tới.
Kết thúc chuyến hành trình trở về với đại ngàn hùng vĩ, về với những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, cảm xúc của những lữ khách phương xa như chúng tôi vẫn vẹn nguyên như lúc khi đến. Đó là sự trân trọng những nỗ lực vượt khó của người dân địa phương trong cách sống, lao động nhằm đưa quê hương phát triển hơn nữa trong mùa xuân này.
Lê Thi