Năm nay, lễ diễn ra từ ngày 3-2 đến 17-3, được khai mạc tại thánh đường thôn Thành Tín (xã Phước Hải, Ninh Phước). Sau đó, Lễ hội Suk Yơng sẽ lần lượt được tổ chức ở thánh đường các thôn: Văn Lâm (xã Phước Nam, Thuận Nam), Phú Nhuận (xã Phước Thuận, Ninh Phước), Lương Tri (xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn), An Nhơn, Phước Nhơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) và kết thúc tại thôn Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Phước).
Mùa thu hoạch lúa của nông dân làng Chăm Thành Tín (Phước Hải, Ninh Phước) Ảnh: Sơn Ngọc
Trong ngày diễn ra lễ, Thang mưgik sẽ được các vị chức sắc, người dân trang trí lộng lẫy. Thanh niên, phụ nữ biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca mượt mà của người Chăm để bà con cùng thưởng thức, chào mừng ngày lễ. Sau tiết mục văn nghệ, các vị chức sắc sẽ tổng kết hoạt động tôn giáo của người Chăm trong vòng ba năm qua, cũng như đề ra phương hướng, kế hoạch nhiệm vụ trong thời gian tới. Vì vậy, các vị chức sắc Chăm Bàni và Bàlamôn đều phải đến dự đông đủ để nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Đồng thời, rút kinh nghiệm về những hạn chế của các chức sắc, tín đồ trong việc thực hiện nghi lễ, sinh hoạt của tôn giáo tại các thánh đường, đền tháp trong ba năm qua.
Phần quan trọng được bà con chờ đợi nhất trong ngày lễ là lễ dâng thức ăn cúng các bậc tổ tiên. Cộng đồng người Chăm Bàni tại thôn sẽ chuẩn bị thức ăn thịnh soạn, xếp gọn gàng trên mâm đội đầu, sau đó được các phụ nữ đội lên thánh đường. Thức ăn thường có 2 phần: mâm mặn (cơm và thức ăn) và mâm ngọt (chè, xôi, chuối và hoa quả). Bà con đội mâm ngọt trước, sau khi các vị chức sắc dùng xong các món ngọt thì các mâm thức ăn mặn sẽ được xếp lên và thưởng thức sau. Mâm đội đầu thường có 6 chân, mỗi chân dài hơn 22 cm. Những mâm cơm, mâm chè được trình bày cầu kỳ, đẹp mắt trên mâm đội đầu, đặc biệt trong các mâm không thể thiếu chén muối nhỏ. Muối ở đây được các vị chức sắc sử dụng như “miếng trầu” trước khi ăn, họ sẽ nếm vị mặn của muối, dùng nước để súc miệng rồi mới thưởng thức các món ăn, bởi người dân quan niệm rằng, như thế thức ăn sẽ thêm mặn mòi. Trước khi dùng bữa, các vị phải đọc kinh Koran, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Không chỉ có người dân trong thôn, Suk Yơng là dịp hội tụ của các vị chức sắc người Chăm hai đạo Bàlamôn và Bàni, bà con cộng đồng người Chăm các làng. Sau khi lễ trong thánh đường kết thúc, từng gia đình trong thôn sẽ tổ chức tiệc mừng, đãi khách. Để không khí thêm phần vui tươi, náo nhiệt, Ban quản lý các thôn tổ chức các hoạt động thể thao, giao lưu văn nghệ. Bà con người Chăm khắp các làng tụ tập về giao lưu, gặp mặt, chia sẻ với nhau nụ cười, niềm vui và những chuyện cuộc sống...
Minh Khai