Ông Thiên Sanh Thềm “nặng lòng” với nhạc cụ Chăm

(NTO) Ở Làng Chăm Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước) ông Thiên Sanh Thềm là một trong số rất ít người vừa có tài chế tác, sử dụng và biểu diễn thành thạo bộ 3 nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm.

Mặc dù đã ở tuổi 68, nhưng ông Thềm vẫn miệt mài chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Với lòng say mê, cộng với bàn tay tài hoa đã giúp ông chế tác ra rất nhiều chiếc trống, kèn để trong các dịp lễ hội tiếng trống paranưng, ghi- năng và kèn saranai lại được vang lên. Ông Thềm chia sẻ: “Trước hết, người chơi phải tâm huyết, đam mê âm nhạc thì mới tạo nên cái “hồn” trong từng giai điệu để cuốn hút người nghe”.

Ngay từ lúc còn nhỏ, ông đã say mê tiếng vỗ trống, thổi kèn của cha. Khi lên 16 tuổi, ông được cha cho đi theo lên rừng tìm kiếm vật liệu làm trống, làm kèn. Rồi ông được cha truyền dạy cho cách chơi, cách làm nhạc cụ. Cứ thế, hơn nửa đời người, việc làm nhạc cụ Chăm đã gắn bó với ông sâu đậm đến tận hôm nay như một nghệ nhân thực thụ

 
Ông Thiên Sanh Thềm đang chơi nhạc cụ Chăm.

Để giúp chúng tôi hiểu về ý nghĩa từng nhạc cụ Chăm, ông Thềm phân tích: “Ngoài ý nghĩa mang lại những giai điệu cuốn hút lòng người, nhạc cụ truyền thống còn chứa đựng cả thế giới tâm linh, tín ngưỡng riêng của dân tộc Chăm. Đây là những nhạc cụ rất “quý”, bởi nó là “bảo vật linh thiêng” của người Chăm. Trống paranưng, ghi-năng và kèn saranai là một bộ không thể tách rời. Bởi mỗi chiếc trống, chiếc kèn được ví như những phần “hồn” của con người. Chiếc kèn saranai tượng trưng cho cái đầu và 7 lỗ tương ứng với hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng của con người; trống Paranưng tượng trưng cho thân người, 12 cái chốt tang trống tượng trưng cho 12 con giáp; đôi trống ghi-năng tượng trưng cho hai chân, 2 cái dùi trống ghi năng tượng trưng cho 2 cánh tay, tang của trống có 16 dây ở hai đầu tương ứng cho 32 cái răng”.

Đối với ông, việc chế tác nhạc cụ đòi hỏi sự tỉ mỉ và say mê, đặc biệt phải có “hồn” và tính chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Chất liệu chủ yếu làm nhạc cụ là từ cây lim, cây cẩm liên và cóc da đá. Hằng năm, ông đều tạo ra từ 5-8 bộ mỗi loại để cung cấp cho khách hàng ở Hà Nội, Huế, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên và Bình Thuận đặt mua. Để làm ra một cặp trống ghi năng dài khoảng 75 cm, đường kính 35 cm, hai đầu bịt da trâu, phải mất 30 ngày công mới thành. Trống paranưng với đường kính hai mặt đều nhau là 45 cm, cao 15 cm, hai đầu bịt bằng da dê đực, cũng khoảng 1 tuần lễ. Kèn saranai dài khoảng 40-50 cm, vật liệu chủ yếu là làm từ sừng trâu và lõi cây me, để làm xong mất khoảng ba ngày. Ngoài ra, ông còn chế tác thành công nhạc cụ đàn ca nhi, lục lạc…

Không chỉ say mê với chế tác và chơi nhac cụ, mà trong suốt cuôc đời ông luôn mang tâm huyết truyền dạy lại cho con cháu về những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đến nay, ông đã truyền dạy miễn phí cho nhiều thanh nhiên trong làng biết chơi nhạc cụ thành thạo, hễ ai có nhu cầu là ông sẵn lòng truyền bảo. Vào mỗi dịp Lễ hội Ka-tê, ông còn đứng ra tổ chức các đội múa cổ truyền của làng. Với ông, điều đáng tự hào nhất là về 5 người con trai nối nghiệp, trong đó có hai người con là Thiên Sanh Minh hiện nay đang công tác ở Đoàn ca múa nhạc dân gian Chăm Ninh Thuận và Thiên Sanh Vũ công tác ở Đoàn ca múa nhạc dân gian tỉnh Quảng Nam.

Bằng lòng nhiệt huyết, bảo tồn văn hóa Chăm, ông luôn mong các thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để tiếng trống paranưng, ghi -năng và kèn saranai luôn ngân vang.