Càng gần đến Katê, không khí khắp các làng quê Chăm càng rộn ràng, nô nức. Tiếng trống Ginăng vang giữa trời thu tháng 10 như thúc giục, mời gọi bước chân về với lễ hội. Diện mạo nông thôn mới sung túc, khang trang, sạch đẹp, chắc chắn sẽ là một dấu ấn trong lòng bà con Chăm Bàlamôn nói riêng và bạn bè du khách gần xa nói chung.
Lễ hội Ka-tê năm 2014. Ảnh: Sơn Ngọc
Từ những làng nghề truyền thống làm gốm, dệt thổ cẩm, đến những vùng “chuyên lúa” của các xã Phước Thái, Phước Hữu, Phước Hậu (Ninh Phước)… đều rực rỡ cờ hoa đón mừng lễ hội. Nhà nào cũng sửa soạn mâm cỗ cúng lễ thần linh và ông bà tổ tiên, chuẩn bị các thứ bánh trái để mời đón bạn bè, người thân đến chơi nhà trong mùa lễ hội.
Đến với Katê, tham gia vào toàn bộ các nghi thức tế lễ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng Chăm Bàlamôn. Hòa vào dòng người nô nức về tháp Po Klong Girai cổ kính, thưởng thức âm vang tiếng trống Ghinăng, Paranưng, tiếng kèn Saranai, ngắm nhìn những nụ cười e ấp sau vành khăn trong điệu múa thiếu nữ Chăm. Ai đó sẽ tìm mua cho mình một chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu, tượng gốm vũ nữ Chăm uốn mình duyên dáng…
Hình ảnh các bà, các mẹ đầu đội những mâm lễ duyên dáng trong chiếc áo dài truyền thống tiến về phía tháp, nét tươi vui trong ánh mắt, nụ cười của người già, trẻ nhỏ, ánh nắng mùa thu nhuộm đỏ tháp cổ dưới nền trời xanh trong vời vợi, chút huyền hoặc linh thiêng trong nghi thức kết nối tâm linh,… sẽ mãi là những điều thu hút mọi người tìm về với Lễ hội Katê, tìm về với những âm điệu rộn ràng đắm say của miền nắng gió.
Nguyên Hạ