Lai Lầu- nghệ nhân trống ghi-năng

“Giáo án” của thầy Lai Lầu là những bao xi măng được ông “vẽ” chi chít những dấu hiệu thanh âm của nhịp trống theo từng bài bản cổ truyền.

Tôi đến cánh đồng Cà Rài thuộc thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) tìm gặp nghệ nhân Lai Lầu. Tôi như bị hút hồn khi nghe tiếng trống ghi-năng khoẻ khoắn tài hoa của ông. Tròn sáu mươi tuổi đời, ông đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với ngón nghề biểu diễn và làm trống ghi-năng. Lai Lầu là một trong ba nghệ nhân dân tộc Chăm duy nhất ở Ninh Thuận biết làm trống ghi năng.

Nghệ nhân Lai Lầu biểu diễn trống ghi năng

Nghệ nhân Lai Lầu như rút ruột giải bày chân tơ kẻ tóc nét độc đáo của các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm. Bộ ba nhạc cụ cần phải có trong các hoạt động lễ hội là Baranưng tượng trưng cho đất, ghi năng tượng trưng cho trời, kèn saranai tượng trưng cho con người. Nếu thiếu một trong ba món “thiên- địa- nhân” thì không thành nhạc lễ. Nghề học đánh trống ghi-năng phải có lòng đam mê và khổ công rèn luyện mới thành. Từ năm lên mười tuổi, tui đã mê đánh trống ghi-năng nhưng mấy ông già xưa khó tánh lắm, nghệ nhân Lai Lầu nói. Mấy ổng chê con nít không biết chuyện trống kèn nên chưa chịu bày dạy cho mình. Mỗi khi trong làng có hội hè là bám theo ngồi chầu rìa nghe mấy ông già chơi đàn, chơi trống mà bụng dạ nôn nao. Nghe riết rồi mình nhập tâm nhịp điệu, bài bản. Chờ các ổng nghỉ tay là mình xáp vô tập đánh trống ghi năng. Sau này nhờ nghệ nhân Lai Xuân Điểm truyền lại những bài bản khó và “sắp lại” đường đi nước bước của từng loại nhạc cụ hoà điệu vào các lễ hội. Riêng trống ghi-năng có tới 50 bài đánh căn bản theo ông bà xưa truyền lại. Tuỳ theo tài năng mỗi người nghệ sĩ biểu diễn biến tấu sao cho có hồn, thu hút lòng người. Tấm lòng người đánh có thanh thản rộng mở thì tiếng trống mới trong sáng, rộn ràng. Nếu người đánh mà bụng dạ hẹp hòi thì tiếng trống không thể “sống” được.

Nghề làm trống đòi hỏi sự tỉ mẫn và say nghề của người thợ. Hồi trước, ông bà mình làm thân trống ghi năng bằng gỗ lim, gỗ hương. Bây giờ hết gỗ quý mình đành phải làm bằng gỗ cây keo gai, ông Lầu nói. Kiếm được cây keo có đường kính khoảng ba tất dài tám tất là mình đem về ngồi kiên trì đục cho rỗng ruột. Hai đầu bịt da trâu tơ căng mặt trống cũng bằng 16 sợi dây da trâu rồi dùng chốt tre đóng chặn giằng mối cho chắc. Thân trống có kín, mặt trống có căng thì tiếng trống mới vang xa, ấm áp. Tui phải mất cả tháng trời mới làm xong một chiếc trống ghi-năng. Sau khi cân chỉnh âm thanh bán cho bà con và các cơ quan văn hoá đặt mua cũng chỉ được một triệu đồng. Vì đam mê nhạc cụ truyền thống của ông bà mà làm trống chớ nói gì chuyện công sá, lời lỗ.

Nghệ nhân Lai Lầu đánh trống, làm trống rồi “truyền lửa” cho lớp trẻ đam mê sự huyền diệu của tiếng trống ghi năng. Khi tiếng trống ghi năng cất lên thì không gian náo nức niềm vui, thôn xóm thanh bình và con người đầy ắp lòng yêu thương. Con cháu xa gần đến với trống ghi năng đều được ông tiếp nhận và dốc lòng truyền dạy. Những học trò nghèo đều được ông cưu mang nhường cơm sẻ áo. “Giáo án” của thầy Lai Lầu là những bao xi măng được ông “vẽ” chi chít những dấu hiệu thanh âm của nhịp trống theo từng bài bản cổ truyền. Học trò ôm trống vỗ theo ký hiệu thanh âm của ông, từ điệu Thôn la vui tươi đến Pằng kì nà mang đậm tính tráng ca. Những học trò sáng dạ thì trong vòng ba tháng có thể vỗ được những bài bản đơn giản. Sau vài năm thì phục vụ được chương trình văn nghệ thôn xóm. Để đánh được trống ghi năng phục vụ lễ hội lớn thì phải mất cả chục năm luyện nghề. Muốn tiếng trống có hồn vía, có lời ăn tiếng nói riêng thì người nghệ sĩ phải đeo đuổi cả đời người.

Bà con các làng Chăm ở huyện Ninh Hải, Thuận Bắc khi cúng chà-và lớn hoặc có những lễ hội quan trọng đều mời nghệ nhân Lai Lầu biểu diễn trống ghi năng. Chia tay nghệ nhân Lai Lầu, tôi cứ ám ảnh bởi vóc dáng cao gầy đen sạm nắng gió của ông ngồi bệch trên nền nhà lắng hồn gởi theo tiếng trống ghi năng rộn rã reo vang trên cánh đồng Cà Rài xanh mướt lúa non.