Đến làng Chăm Phú Nhuận chúng tôi “tận mục sở thị” đời sống dân cư phát triển vào diện bậc nhất xã Phước Thuận, Ninh Phước. Hệ thống đường giao thông được Nhà nước và nhân dân cùng làm bê tông hóa toàn khu dân cư. Nhà văn hóa Chăm xã Phước Thuận được xây dựng khang trang tại thôn Phú Nhuận phục vụ nhu cầu sinh hoạt, làm việc của cán bộ và nhân dân. Cánh đồng Phú nhuận vừa gieo xong vụ hè thu, 80 ha lúa thì con gái mơn mởn lên xanh.
Nhà Văn hóa Chăm được Nhà nước đầu tư xây dựng tại các địa phương
phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân địa phương.
Phụ nữ Chăm dệt những tấm thổ cẩm mới đón Ramưwan 2012.
Chúng tôi gặp Sư cả Hứa Địch trụ trì chùa Bà ni Phú Nhuận đang làm lễ Ngăk Păk cho các vị chức sắc chuẩn vị vào tháng ăn chay theo đạo Hồi. Sư cả Hứa Địch chia sẻ: ”Năm nay, bà con Phú Nhuận đón mừng Ramưwan vui vẻ, phấn khởi lắm. Lúa vụ đông xuân được mùa, giá cả hàng hóa ổn định, Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo xây nhà ở theo chương trình 167 của Chính phủ. Bà con đi làm ăn xa, các cháu được nghỉ học trở về sum họp gia đình trong ngày lễ truyền thống của làng. Tôi vận động tín đồ vui đón Ramưwan trong tinh thần vui tươi, lành mạnh, tốt đời đẹp đạo, chung sức chung lòng xây dựng xã Phước Thuận đạt tiêu chí nông thôn mới”.
Anh Hán Văn Thanh, Trưởng Ban quản lý thôn Phú Nhuận cho biết toàn thôn có 385 hộ với 2.041 nhân khẩu. Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm đưa đời sống khu dân cư phát triển nhanh, bền vững. Bà con phấn khởi đoàn kết làm ăn vươn lên xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa bàn khu dân cư. Các nông hộ Đổng Hộ, Não Ngọc Duyên, Đàng Ngọc Nhàn nêu gương sáng trong phong trào khuyến học khuyến tài. Đơn cử, gia đình ông Đổng Hộ nuôi 4 con học đại học, trong đó có 2 bác sĩ, 1 kiến trúc sư, 1 kỹ sư thủy lợi. Toàn thôn có 8 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 12,2 triệu đồng và vay vốn ưu đãi 8 triệu đồng cải thiện nhà ở. Bà con phấn đấu hoàn thành nhà ở mới vào dịp đón mừng lễ hội Ramưwan. Ban quản lý thôn phối hợp với Ban Phong tục tổ chức cho thanh niên làm vệ sinh môi trường, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ hội Ramưwan. Phú Nhuận vừa được Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước trao giấy chứng nhận 3 năm liền đạt danh hiệu Thôn văn hóa.
Chị Đổng Thị Thư trước ngôi nhà đang xây theo chương trình 167 của Chính phủ
Chia tay Phú Nhuận, chúng tôi nhớ nụ cười rạng rỡ niềm vui của chị Đổng Thị Thư, 40 tuổi: ”Vợ chồng tui nghèo khó mấy chục năm ở trong căn nhà vách đất mưa dột, nắng chói. Nay được Nhà nước hỗ trợ 20,2 triệu đồng và bà con tộc họ cho mượn thêm vốn liếng giúp tui xây được căn nhà 50 mét vuông khang trang. Anh em thợ hồ đẩy nhanh tiến độ xây tô, lợp mái hoàn thành kịp đón ông bà về vui với con cháu trong căn nhà mới vào dịp Ramưwan.”
Đến với làng Chăm Phước Nhơn, chúng tôi gặp không khí nhộn nhịp chuẩn bị vào mùa lễ hội Ramưwan. Quần áo mới, chén đĩa mới, hoa thơm trái ngọt được thương lái đưa về địa phương phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mọi người. Phụ nữ các gia đình khéo léo ép cốm gói giấy hoa; đổ bánh Bay- chúa được làm bằng bột nếp nhân mè, vật phẩm không thể thiếu trong việc cúng kính của đồng bào Chăm.
Phụ nữ Chăm khéo léo ép cốm, đổ bánh Bay- chúa đón mừng Ramưwan.
Phước Nhơn là vùng dân cư có nền kinh tế nông nghiệp- dịch vụ phát triển năng động bậc nhất xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Nông dân ở các thôn Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3 canh tác 248 ha ruộng canh tác ba vụ lúa, năng suất đạt trên 65tạ/ha và 600 ha đất rẫy trồng hoa màu. Đàn gia súc có sừng trên 3.500 con đem lại giá trị kinh tế ổn định cho trên 50% số hộ chăn nuôi. Các tên tuổi Dương Tấn Thời, Kiều Man, Đạo Đường, Tài Thanh Đa… là những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở địa phương. Phước Nhơn có 60% số hộ hành nghề mua bán thuốc Nam truyền thống. Bà con đi bán thuốc khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Nguồn thu nhập từ nghề mua bán thuốc Nam đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân. Con em được nuôi dạy học hành chu đáo, Phước Nhơn có trên 100 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm ổn định.
Làng Phước Nhơn có ba thôn với 1.350 hộ, trên 6.500 nhân khẩu. Ông Thành Thanh Tâm, Trưởng Ban Hakem Thánh đường 102 kiêm Trưởng Ban đại diện cộng đồng Islam tỉnh Ninh Thuận cho biết: Toàn tỉnh có 4 thánh đường Islam với 3.019 tín đồ sinh sống tập trung ở hai xã Phước Nam và Xuân Hải. Bà con chăm lo làm ăn nâng cao đời sống gia đình và đoàn kết chung tay xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển. Các vị chức sắc nêu gương sáng trong tinh thần hoà hợp đạo giáo, vận động tín đồ gắn kết nghĩa xóm tình làng, giúp nhau làm ăn. Làng Chăm Phước Nhơn phát triển giàu đẹp như ngày nay là nhờ tinh thần chủ động vượt khó làm ăn của bà con kết hợp Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn hiện đại.
Hệ thống điện đường được Nhà nước đầu tư xây dựng nâng cao đời sống vùng dân cư Phước Nhơn.
Sư cả Kiều Bình, Chủ tịch Hội đồng Sư cả Bà ni bộc bạch niềm vui: Ramưwan năm nay diễn ra ở thôn xóm, gia đình từ ngày 18 đến ngày 20-7. Trong ba ngày này, bà con cúng kính tưởng nhớ công ơn tổ tiên và thăm viếng lẫn nhau. Tối ngày 20-7, các vị chức sắc vào chùa thực hành nghi lễ tháng ăn chay, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận nắng hòa, mùa màng tốt tươi. Tôi rất vui mừng nhìn thấy tất cả các làng Chăm đều có hệ thống điện, đường, trường, trạm do Nhà nước đầu tư xây dựng làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước giúp nông dân làm ăn hiệu quả, bảo đảm cuộc sống no ấm. Với trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng Sư cả Bà ni, tôi vận động tín đồ đoàn kết chặt chẽ với đồng bào các dân tộc anh em, các tôn giáo chung tay xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.
Thái Sơn Ngọc