Ông Xô "thổ cẩm"

(NTO) “Dệt thổ cẩm của người Chăm là nghề mẹ truyền con gái nối”. Vậy mà ở làng nghề truyền thống thổ cẩm Chung Mỹ, khu phố 6, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước), có một người đàn ông không những biết dệt mà còn dệt giỏi hơn những phụ nữ. Ông là nghệ nhân Lưu Tấn Thành, mọi người quen gọi thân mật là ông Xô, đã có hơn 30 năm tuổi nghề.

Sống chết với nghề

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất làng, gắn chặt với nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng. Không như những đứa trẻ khác, lúc nhỏ suốt ngày ông cứ quấn quanh chân mẹ, nhìn mẹ dệt và học lỏm từ lúc nào không biết. Theo phong tục của làng nghề, dệt không phải là công việc của đàn ông, nhưng bằng niềm đam mê mãnh liệt, năm 20 tuổi, ông xây dựng gia đình và quyết định làm công việc mà không người đàn ông nào trong làng làm là gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.

 
Ông Xô say sưa với nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Đăng Thuần

Rào cản lớn nhất mà ông phải vượt qua chính là định kiến “đàn ông không được làm công việc của phụ nữ”. Không nản chí, ông vẫn cho rằng chẳng có công việc nào chỉ dành riêng cho phụ nữ. Ông tâm niệm: “Đàn ông có thể làm được công việc của phụ nữ tốt hơn”. Từ đó, ông làm việc cật lực để chứng minh điều đó.

Dù năm nay đã trên 50 tuổi, nhưng nhìn bàn tay thoăn thoắt, đôi mắt lanh lẹ của ông khi dệt thì không ai khỏi bất ngờ. Chị Đinh Thị Thoen (hàng xóm của ông Xô) kể bằng giọng thán phục: “Một tấm thổ cẩm tôi phải dệt gần hai ngày, vậy mà chú Xô dệt trong ngày là xong, trong khi đó còn phải móc sợi cho công nhân dệt. Mỗi ngày, chú Xô có thể móc hơn 10 tấm thổ cẩm”.

Sản phẩm của ông làm ra rất phong phú và đa dạng… Ông Xô hăng say nói về công việc của mình: “Để dệt hoàn thành một tấm thổ cẩm, đầu tiên là móc sợi vào khung, rồi tới phần dệt, sau đó là nhuộm, rồi phải làm biên, làm đầu, trong đó khâu dệt chiếm nhiều thời gian nhất. Thời gian để hoàn thiện một tấm thổ cẩm bình thường là một ngày, còn với những tấm thổ cẩm đặc biệt phải mất từ 3 ngày đến 5 ngày”.

Nghĩ cách… giữ nghề!

Tâm sự với chúng tôi, vợ ông, bà Thọ Thị Phẩm nói: “Ổng kỹ lắm, sợi mua về thấy chưa đạt yêu cầu là mang ra tự nhuộm lại, tấm nào dệt bị lỗi là ổng thải hết. Ông luôn nhắc nhở người làm trong nhà và các hộ được khoán sản phẩm phải có trách nhiệm với từng sản phẩm làm ra. Có như vậy mới giữ nghề được bền lâu”.

“Năm ngoái ông Xô vay tiền của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chung Mỹ mua tơ, sợi, hỗ trợ tiền công rồi giao cho hơn 10 hộ trong làng cùng làm. Ông đứng ra bao tiêu sản phẩm, sau khi đã trừ tiền nguyên liệu, tính ra mỗi người chúng tôi cũng kiếm được 30 đến 40 nghìn đồng/tấm. Tuy nhiên nhiều hộ vẫn không mặn mà với nghề này lắm, nên hiện tại chỉ còn 5 hộ tham gia”, chị Thọ Thị Tuyên, một trong trong 5 hộ còn lại cho biết.

Ý thức được việc bảo tồn và lưu giữ nghề, ông Xô vận động bà con đến nhà dệt, trả tiền công và tự tìm “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm. Dù sản phẩm làm ra không đủ để cung cấp cho thị trường nhưng ông vẫn cương quyết không dùng máy thay khung dệt cổ truyền. “Nếu dệt máy thì không cần những người như tôi vẫn có sản phẩm. Sản phẩm dệt bằng tay đẹp và chất lượng hơn nhiều, khách du lịch cũng chuộng mặt hàng làm thủ công hơn”, ông nói. Ông Xô cho biết thêm, sản phẩm của ông chủ yếu được tiêu thụ ở Lâm Đồng, Đăk Nông… Mỗi năm, ông bán được trên 150 triệu đồng, lời hơn 80 triệu đồng. “Nếu theo nghề thì hoàn toàn có khả năng sống được bằng nghề, thậm chí so với nghề làm nông thì thu nhập còn cao hơn nhiều, vì mình bỏ vốn ra lúc nào cũng thu lại hơn gấp đôi”, ông Xô hồ hởi khoe!

Theo ông, làm nghề cần có “tâm”. Tâm của ông chính là mong muốn có nhiều gia đình quay lại với nghề, không những đảm bảo được kinh tế mà còn để gìn giữ nghề truyền thống không bị mai một, vì hiện nay rất nhiều thanh niên trong làng bỏ đi làm công nhân ở nơi khác. Ông mong muốn chính quyền địa phương, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chung Mỹ quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn cho bà con, để làng nghề Chung Mỹ không những gìn giữ được bản sắc làng nghề truyền thống, mà còn góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương từ sản xuất thuần nông sang sản xuất tiểu- thủ công nghiệp.