HPN xã Phước Thắng hiện có 718 hội viên, sinh hoạt tại 4 chi hội thôn: Ha Lá Hạ, Ma Oai, Ma Ty, Trà Đôn. Tinh thần "tương thân, tương ái" luôn đựơc các chị đề cao, phong trào giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình và được duy trì đều khắp ở các chi hội. Từ những công việc như vần đổi công giúp nhau sản xuất, đến việc cho nhau mượn lúa, bắp giống gieo trồng không lãi suất đều được các chị hưởng ứng nhiệt tình.
Phụ nữ xã Phước Thắng học nghề đan chiếu.
Mô hình nuôi bò rẽ của chị em hội viên được đánh giá cao trong phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế. Từ 1ha diện tích đất rẫy, các chị chung sức sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm, các chị bán lấy tiền mua 4 con bò chia đều cho 4 chi hội, người có hoàn cảnh khó khăn nhất sẽ được nhận nuôi. Bò sinh sản lứa đầu tiên sẽ được đưa vào quỹ hội và đến lứa thứ hai sẽ bình xét cho hội viên nhận nuôi ban đầu, rồi cứ thế tiếp tục lứa sau giao cho hội viên khác nuôi. Với cách làm đó, đến nay, hội đã có 40 con bò làm quỹ, bò nuôi rẽ vừa để sinh sản vừa làm sức kéo phục vụ sản xuất. Nhờ mô hình này, nhiều gia đình dần đi vào ổn định kinh tế, có tiền nuôi dạy con cái ăn học. Điển hình như gia đình chị Katơr Thị Khém, thôn Ha Lá Hạ, là một trong 9 hộ thoát nghèo của xã, chị cho biết: “Trước đây gia đình thuộc diện khó khăn, cơm phải lo từng bữa, hiện nay trong nhà có 5 con bò làm vốn. Năm nay, hai con vào năm học mới gia đình không còn phải lo lắng nữa.”.
Đặc biệt, trong năm 2011, Chi hội Phụ nữ thôn Ha Lá Hạ đã bán 6 con bò trong quỹ hội để mua máy tuốt lúa, trước là phục vụ chị em hội viên, sau là phục vụ nông dân trong toàn xã, tiền thu được sẽ đưa vào làm quỹ tiền mặt của chi hội thôn. Hiện Chi hội Phụ nữ thôn có quỹ tiền mặt 4,5 triệu đồng được sử dụng cho hội viên khó khăn vay không lấy lãi suất.
Để các hội viên có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, HPN xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thành lập tổ vay vốn dành cho những hội viên khó khăn nhất. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với ngân hàng giải ngân hơn 200 triệu đồng cho hội viên, trung bình mỗi hội viên đựơc vay từ 10 - 15 triệu đồng, chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi gia súc như bò, dê sinh sản. Chị Pi Năng Thị Hà, Phó Chủ tịch HPN xã Phước Thắng cho biết: "Tinh thần hỗ trợ nhau của chị em hội viên rất tốt, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo. Trong thời gian tới, HPN tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi bò rẽ, đồng thời động viên chị em mướn đất trồng rẫy để phát triển thêm quỹ hội". Hội còn quyết tâm phấn đấu có 60% hộ phụ nữ nghèo được hội giúp đỡ và tăng tỉ lệ thoát nghèo của các hộ có phụ nữ làm chủ hộ.
Tường Vân