Tác động từ kinh tế tập thể đối với nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà

(NTO) Do đặc điểm nông nghiệp (NN) chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế tỉnh nhà, những năm gần đây các loại cây trồng, vật nuôi phát triển phong phú, đa dạng nên vai trò của kinh tế tập thể (KTTT) càng được khẳng định hơn bao giờ hết. Thực tiễn từ nông thôn tỉnh ta đã chứng minh đây là loại hình kinh tế phù hợp để tập trung nguồn lực sản xuất hàng hoá, nâng sức cạnh tranh của nông sản làm ra, đồng thời khắc phục thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình.

Hiện nay riêng lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, toàn tỉnh có 17 tổ hợp tác (THT) và 35 hợp tác xã (HTX), thu hút hơn 21.200 xã viên, trong đó có 12 HTX thành lập mới, ngoài ra còn có 1 HTX Ngư nghiệp ở Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải). Đáng chú ý trong số 5 HTX thành lập mới năm 2011, có HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước Thắng, một hình thức KTTT đầu tiên ở huyện miền núi Bác Ái. Nếu kể cả các mô hình, các tổ liên kết, liên minh các hộ nông dân sản xuất cũng được thành lập từ các chương trình, dự án ngành NN thì quy mô của KTTT ngành NN tỉnh ta còn lớn hơn nhiều.

 
Xã viên HTX tiêu thụ rau an toàn Văn Hải ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất.

Tính từ năm 2006 đến nay, thu nhập bình quân của tổ viên THT đã tăng thêm khoảng 400-500 ngàn đồng/tháng, doanh thu bình quân 1 HTX trên 1 tỷ đồng, đã tăng lên 2,5 đến 3 tỷ đồng; HTX đã có lãi chia theo cổ phần và vốn góp từ 1-1,2%/tháng. Nhận xét về tác động từ KTTT đối với NN, nông thôn tỉnh ta, đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh (Sở NN& PT NT) cho biết: “Dù còn những mặt tồn tại, hạn chế nhưng KTTT ngành NN đã có những đóng góp quan trọng vào sự thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn tỉnh nhà, làm tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới”. Thật vậy nếu xét về tiêu chí số 13 trong Bộ Tiêu chí quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, có thể thấy vai trò quan trọng, đáp ứng đầy đủ của KTTT.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT ngành NN. Tính đến nay đã có 25 HTX NN được giao tổng cộng 235.631 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó 19 HTX được hỗ trợ giao đất không thu tiền sử dụng đất, với diện tích 213.528 m2; số còn lại đang tiếp tục làm thủ tục cấp hoặc đã được các địa phương xem xét cho thuê đất dự phòng để sản xuất lúa giống và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Ngoài công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, một bộ phận CB và xã viên HTX được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật canh tác do doanh nghiệp tài trợ thông qua việc hợp tác, liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa HTX với doanh nghiệp. Nhờ đó đã tạo điều kiện cho các HTX nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra sự gắn kết giữa HTX với xã viên và các doanh nghiệp tốt hơn. Một số HTX như Mông Nhuận, Hữu Đức (Phước Hữu), Như Bình (Phước Thái) thuộc huyện Ninh Phước đã tham gia xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương như kiên cố hoá kênh mương, trạm bơm, đường giao thông nông thôn...

 
Xã viên HTX La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước chăm sóc cây bắp.
Ảnh: Thanh Long

Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT”, trong hơn 10 năm qua, KTTT đã đóng góp 8,1% GDP của tỉnh nhà. Vai trò của KTTT trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và các chủ trương về phát triển NN, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được phát huy tích cực. Xuất phát từ đặc điểm trên, theo chúng tôi, KTTT ngành NN cần được hỗ trợ nhiều hơn. Đầu tiên là hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động HTX NN thông qua các chương trình phát triển NN, nông thôn về xây dựng, quản lý hệ thống tưới tiêu; chế biến nông, lâm sản và phát triển ngành nghề ở nông thôn; thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm; tín dụng; khuyến nông, khuyến ngư; công tác bảo vệ thực vật và thú y. Tiếp đến là phối hợp và triển khai thành lập các liên minh sản xuất, tiêu thụ nông sản từ Dự án cạnh tranh NN tỉnh và tiếp tục nhân rộng các liên minh đã và đang hoạt động hiệu quả.

Theo Kế hoạch hỗ trợ phát triển KTTT ngành NN năm 2012 và định hướng đến năm 2015, tỉnh ta phấn đấu sẽ tăng bình quân hàng năm khoảng 5% HTX NN, thủy sản và ngành nghề, khuyến khích HTX mở rộng quy mô, ngành nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiến đến thành lập liên hiệp HTX NN; tăng bình quân hàng năm 1% THT, khuyến khích THT có đủ điều kiện đăng ký thành lập HTX. Có thể nói nếu thực hiện được mục tiêu trên, các loại hình kinh tế THT, HTX sẽ đổi mới và phát triển, đưa KTTT ngành NN đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng GDP của tỉnh.