Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011-2015, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã định hướng mục tiêu phát triển tổng quát trong năm 2012 đó là: Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có năng suất và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.
Nông dân xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước thu hoạch táo.
Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, ngoài việc tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để triển khai chương trình phát triển nông thôn mới cho các xã điểm, ngành N&PTNT còn xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình về chuyển giao khoa học-kỹ thuật trong nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đặc biệt, với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp còn lớn và một số công trình thủy lợi đã được đầu tư trong thời gian qua đã tạo điều kiện để nông dân trong tỉnh phát triển các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao và có khả năng sản xuất được nhiều vụ trong năm như: lúa, bắp, nho, mía, mì, hành, tỏi, táo... Nhờ đó, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2012 tăng 1,32% so với cùng kỳ. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 100 ngàn tấn.
Điều đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta thời gian qua đó là đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và gắn kết với các địa phương khuyến khích các thành phần kinh tế chủ động liên doanh, liên kết thành các hợp tác xã và tổ hợp tác để xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng “thị trường hóa” đạt hiệu quả. Đơn cử như huyện Ninh Phước, để hướng nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, hiệu quả cây trồng, ngoài việc quy hoạch, bố trí cây trồng phù hợp với từng loại đất để vừa đảm bảo kinh tế, vừa tiết kiệm nước, huyện còn phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai các mô hình sản xuất mới như: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, “Liên kết 4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, “sản xuất rau an toàn”... cho nông dân với diện tích hàng trăm ha. Qua kết quả thu hoạch cho thấy, các mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người nông dân, trong đó điển hình như ở vùng trồng rau an toàn xã An Hải, trước đây cứ vào mùa thu hoạch trên 100 hộ trồng rau ở các thôn Tuấn Tú, Nam Cương rất lúng túng trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình. Nhưng được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và xã An Hải, hiện bà con trồng rau đã liên kết lại với nhau thành lập 1 HTX và 1 Tổ sản xuất nên việc tiêu thụ sản phẩm và năng suất, chất lượng rau an toàn ở đây được nâng lên đáng kể. Ông Huỳnh Minh Kịch, người trồng rau ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết: “Ngoài việc tổ chức tập huấn giúp các hộ trồng rau có thêm kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, hạn chế sử dụng phân hóa học, trước mỗi vụ các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp còn hướng dẫn để bà con chọn giống rau thích hợp gieo trồng, nên rau xanh của người dân ở đây luôn được thị trường ưa chuộng và bán được giá, đời sống của bà con nhờ đó cũng được cải thiện.”
Cây bắp lai đem lại hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao đời sống nông dân. Ảnh: Sơn Ngọc
Thực tế cho thấy, thông qua sự liên kết của ngành NN&PTNT, đến nay không chỉ có huyện Ninh Phước mà tại một số địa phương như: Ninh Sơn, Ninh Hải... cũng đã chú trọng đến việc quy hoạch và bố trí cây trồng phù hợp theo từng loại đất để hình thành nên các vùng chuyên canh về trồng cây nguyên liệu như mía, mì, thuốc lá và sản xuất bắp lai, lúa giống tập trung, tạo nên giá trị hàng hóa lớn và thu nhập đáng kể cho người sản xuất. Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: “Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, ngoài việc mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực như: Mía 2.500 ha, mì 2.300 ha, địa phương còn triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình: Trồng thâm canh bắp lai giống NK 67 tại xã Hòa Sơn, hoàn thành việc xây dựng 2 mô hình kinh tế có hiệu quả là nuôi dong trên cát và nuôi cá trê lai tại xã Lương Sơn bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Hiện tại, địa phương đang chuẩn bị triển khai thí điểm thêm 3 mô hình đó là trồng cây măng tây xanh, trồng giống táo xanh có năng suất và mô hình nuôi cá lăng, nhằm từng bước hướng đến xây dựng vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Với mục tiêu từng bước “thị trường hóa” các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất và chất lượng, trong định hướng tới ngành NN&PTNT xác định sẽ tập trung rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo hướng khai thác các thế mạnh của địa phương và đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Để đạt được kế hoạch đề ra, theo đồng chí Nguyễn Đức Thu, trước mắt trong những tháng còn lại của năm 2012, đối với chăn nuôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tìm kiếm thị trường và có giải pháp tiêu thụ thịt dê, cừu cho nông dân. Về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, tập trung xây dựng và nhân rộng các chương trình về chuyển giao khoa học kỹ thuật với trọng tâm là chuyển giao các giống mới, kỹ thuật canh tác mới đối với các cây, con chủ lực của tỉnh như sản xuất tôm thương phẩm, tôm giống, sản xuất nho,... theo hướng liên kết nông dân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp ưu tiên tạo đầu ra cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Cùng với đó, ngành sẽ triển khai nhanh các chương trình mục tiêu quốc gia như nước sạch vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho nông dân, ngư dân. Xây dựng các phương án, giải pháp đề phòng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Văn Thanh