Hiệu quả từ các Liên minh sản xuất vùng rau an toàn xã An Hải

(NTO) Xã An Hải (Ninh Phước) có tổng diện tích tự nhiên 2.098,2 ha, trong đó có trên 1.000 ha đất nông nghiệp nhưng có tới 50% là đất cát bạc màu. Nhưng chính trên mảnh đất khô cằn, nóng bỏng này thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho nguồn nước ngầm dồi dào, giúp nông dân canh tác quanh năm và hình thành vùng trồng rau an toàn (RAT) nổi tiếng tại tỉnh ta.

Vùng trồng RAT xã An Hải tập trung chủ yếu tại 2 thôn Nam Cương và Tuấn Tú. Về đây trong nắng tháng 8 chói chang, trước mắt chúng tôi vẫn xanh ngát những luống rau màu đang được chăm sóc cẩn thận. Bắt đầu triển khai mô hình sản xuất RAT từ vụ đông-xuân 2009-2010, với diện tích 7 ha theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, đến nay quy mô vùng trồng RAT đã lên 101 ha (43 ha ở Nam Cương và 58 ha ở Tuấn Tú).

 
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) chăm sóc cây hành. Ảnh: Văn Miên

Theo anh Hồ Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải, đánh dấu cho bước phát triển ấy là sự kiện ra mắt Liên minh sản xuất RAT Tuấn Tú-Đại Lợi và Liên minh sản xuất RAT An Hải vào cuối năm 2010, dưới sự hỗ trợ 40% vốn của Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Liên minh sản xuất RAT Tuấn Tú-Đại Lợi là sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến nông sản Đại Lợi (TP. Hồ Chí Minh) với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, có sự tham gia của 160 hộ nông dân trồng rau ở thôn Tuấn Tú. Còn Liên minh sản xuất RAT An Hải thực chất là của 72 hộ nông dân thôn Nam Cương (bao gồm cả 8 hộ bên thôn Hòa Thạnh) thông qua Tổ hợp tác sản xuất RAT liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Hai Phước (Đài Sơn, Phan Rang-Tháp Chàm). Nói chung, cả 2 liên minh trên đều thực hiện theo hình thức liên kết sản xuất-tiêu thụ RAT do nông dân địa phương làm ra.

Trở lại vùng trồng RAT xã An Hải lần này, chúng tôi không khỏi ấn tượng với những gì đang diễn ra. Theo nhiều nông dân, thông thường mỗi sào trồng RAT, họ giảm được 30% chi phí đầu tư và lãi hơn 25% so với cách trồng tập quán cũ. Sau khi có dự án tài trợ mô hình tưới nước tiết kiệm do Hội Nông dân tỉnh triển khai và được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư xây dựng đường điện hạ thế và 2 trạm biến áp 3 pha (250kVA và 320kVA), vùng trồng RAT 2 thôn Nam Cương và Tuấn Tú đã có bước đột phá mới. Vụ đông-xuân vừa qua, với 100% diện tích trồng các loại rau như cà rốt, cà chua, hành, cải củ, nông dân đã không còn rau để cung ứng cho thị trường. Anh Hồ Minh Tuyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất RAT thôn Nam Cương cho biết: “Đầu ra không còn là vấn đề bận tâm của nông dân, qua hình thức liên minh, doanh nghiệp cam kết mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường tại thời điểm. Rau thu hoạch là tiêu thụ ngay trong ngày”.

 
Trên 2 sào trồng cải củ của hộ anh Nguyễn Thảo (Nam Cương) phát triển tốt.

Mặc dù vụ đông-xuân vùng RAT có năng suất khá cao, đơn cử năng suất cà rốt đạt 3-4 tấn/sào, cải trắng đạt 5-5,5 tấn/sào và cà chua đạt 4 tấn/sào, nhưng trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, sản lượng thu hoạch của 101 ha rau các loại đã không kịp đáp ứng. Đây là dấu hiệu cho thấy đã có tiền đề để vùng RAT xã An Hải phát triển mạnh. Anh Nguyễn Nguyên Hưng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú khẳng định: “Tuấn Tú có trên 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, nếu nhu cầu tiêu thụ của thị trường vẫn tiếp tục tăng, HTX sẽ đưa thêm diện tích từ 20-30 ha vào trồng RAT”. Vào vụ hè-thu này, do mưa ít nên diện tích trồng chưa phủ hết, Tổ hợp tác sản xuất RAT thôn Nam Cương mới trồng 38,3 ha cải trắng, hành tây, hành tím và ớt; riêng vùng RAT thôn Tuấn Tú mới xuống giống trồng 10 ha, chủ yếu là hành lá. Theo anh Hồ Minh Tuyến, qua mô hình trồng RAT, ngoài ưu điểm làm giảm nguy hại môi trường và ngộ độc thuốc BVTV đối với người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng, còn nâng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người nông dân.

Có thể nói, qua thực tế nhu cầu tiêu thụ RAT trên thị trường, người nông dân trồng RAT ở An Hải đang có nhiều cơ hội để hình thành vùng sản xuất RAT quy mô lớn, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và tiếp cận dịch vụ về kỹ thuật, thương mại. Nói cách khác, đây là cơ hội để vùng trồng RAT xã An Hải từng bước tạo dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Làm được điều này, An Hải sẽ có thêm điều kiện thuận lợi trên tiến trình xây dựng nông thôn mới.