Đối phó với virus cúm gia cầm có sự biến đổi

Điều đáng lo ngại là các loại vaccine phòng bệnh H5N1 chỉ có hiệu quả thấp dưới 75% nên chưa sử dụng đại trà trong phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Kết quả thí nghiệm trong tháng 8/2012 cho thấy mới phát hiện nhóm virus cúm gia cầm H5N1 thuộc nhánh A (2.3.2.1) có thay đổi một số amino-axit.

Mặc dù virus này vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1 nhưng đã có sự khác biệt, độc lực của nhóm virus đang được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá. Điều đáng lo ngại là hiện các loại vaccine phòng bệnh H5N1 chỉ có hiệu quả thấp dưới 75% nên chưa sử dụng đại trà trong phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Vệ sinh dịch tễ - Cục Thú y cho biết, cách hiệu quả nhất để bảo vệ đàn gia cầm hiện nay vẫn là phát hiện, khoanh vùng dịch. “Hiện nay chủ yếu chúng tôi vẫn áp dụng phát hiện sớm và tiêu hủy những con mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, quản lý thật chắc ổ dịch, không để lây lan sang nơi khác. Hiện chúng tôi đang thực hiện vấn đề này rất hiệu quả, còn vaccine sử dụng ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên hầu như rất ít sử dụng. Chúng tôi chỉ sử dụng vaccine của chương trình quốc gia để bao vây ổ dịch, giảm vấn đề lây lan mà thôi” – ông Kỳ nói.

Cục Thú y cảnh báo, giai đoạn chuyển mùa này rất thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, vì vậy các địa phương cần theo dõi sát sao để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Đồng thời trong khi chưa có vaccine phòng ngừa hiệu quả cần ngăn chặn, kiểm soát được tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới để hạn chế mầm bệnh phát tán, gây khó khăn cho công tác quản lý, dập dịch./.

Nguồn VOV online