Tái cấu trúc doanh nghiệp phải là một cuộc cải cách tổng thể

Đó là cuộc cải cách về quản trị và điều hành hoạt động của doanh nghiệp; tầm nhìn chiến lược,dòng tiền, nguồn nhân lực...

 
Doanh nghiệp không nên vội vàng cắt giảm nhân công

Ngày 2/8, tại Hà Nội, diễn ra hội nghị Vietnam CEO Summit năm 2012 với chủ đề “Tái cấu trúc Doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng: doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều hạn chế về quản trị và điều hành hoạt động của doanh nghiệp; đặc biệt là thiếu tầm nhìn chiến lược, mất cân đối về dòng tiền, thiếu hụt nguồn nhân lực, hệ thống không bắt kịp với mô hình phát triển của doanh nghiệp... Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp có thể chủ động hoặc bị động tái cấu trúc. Tuy nhiên, áp lực tái cấu trúc lớn nhất hiện nay là bối cảnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng tài chính, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với sự suy giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng. Việc hoạch định chiến lược hoạt động không đơn thuần là điểm khởi đầu mà còn là điểm chính yếu của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Nhưng trước hết, doanh nghiệp cần phải xác định chính xác năng lực cốt lõi của mình, trong đó, vốn là nguồn lực vô hình và không dễ định lượng.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải tại Việt Nam, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là vốn để phát triển dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng: Về phía doanh nghiệp đây là dịp tốt để cải cách lại chính mình, không thể trông chờ Chính phủ mà không làm gì hết. Thực trạng hiện nay, doanh nghiệp vay nợ rất nhiều, doanh nghiệp cũng cần xem xét lại đối với khoản vay nợ này có thực sự cần thiết hay không, nên tâp trung vào những ngành mình có thế mạnh hay vẫn tiếp tục đầu tư dàn trải, tiếp tục đầu tư bất động sản, chứng khoán không phải ngành chính. Bản thân các ngân hàng cũng rất muốn hỗ trợ các doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn hiện nay, nhưng các ngân hàng cũng rất mong chờ từ doanh nghiệp đó là một sự minh bạch về tài chính.

Chia sẻ kinh nghiệm tái cấu trúc doanh nghiệp từ một số quốc gia trên thế giới, Giáo sư Douglas Coulter, Đại học Kinh doanh Harvard Mỹ cho biết: bất cứ công ty nào khi gặp khó khăn và doanh thu sụt giảm, việc đầu tiên họ nghĩ tới là cắt giảm chi phí không cần thiết, trước hết là chi phí lao động. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết những quyết định sa thải lao động vội vàng đều không làm giảm chi phí mà ngược lại, lại làm cho chi phí tăng lên do giữ lại những lao động lương thấp và làm việc không hiệu quả.

Theo Giáo sư Douglas Coulter, kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp cần phải là một cuộc cải cách tổng thể doanh nghiệp từ quy trình, công nghệ, tài chính và nhân sự. Theo đó có 6 bước định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp, đó là: đưa ra quyết định tái cấu trúc; thứ 2, xác định đối tượng cần tái cấu trúc; thứ 3, xây dựng cấu trúc tổng thể dựa trên giá trị các nguồn lực; thứ 4, xác định mức độ thẩm quyền của người ra quyết định cần. Thứ 5, điều chỉnh hợp lý các thành phần trong hệ thống tổ chức có liên quan tới việc đưa ra quyết định, như: ưu đãi, luồng thông tin, quy trình thực hiện. Và cuối cùng là hỗ trợ quản lí, phát huy kĩ năng và hành vi cần thiết để đưa ra và thực hiện quyết định nhanh chóng, đúng đắn.

Tại hội nghị, các chuyên gia và doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận về những bài học từ thực tiễn quốc tế cũng như những trường hợp cụ thể tại Việt Nam về tái cấu trúc doanh nghiệp; đồng thời, chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh trong năm 2012-2013... Đây là những kinh nghiệm quý cho các nhà điều hành doanh nghiệp điều hành, định hướng phát triển doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

Nguồn VOV Online