(NTO) Thôn Bảo Vinh là một trong hai thôn khó khăn nhất của xã Phước Vinh (Ninh Phước) hiện đang được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ.Toàn thôn có 353 hộ sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi.Nằm ở vùng bán sơn địa, Bảo Vinh có diện tích đất sản xuất khá rộng, lên đến 100 ha. Tuy nhiên, do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, cộng với phần đất ở phía Tây thôn cằn cỗi nên hiệu quả kinh tế thấp.
Trạm bơm Bảo Vinh hư hỏng cần được đầu tư tu sửa.
Để tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, năm 2000, Nhà nước đầu tư 700 triệu đồng xây một trạm bơm điện. Thôn vận động được 200 triệu đồng xây tuyến kênh N1, N2 có tổng chiều dài 3 km. Từ khi trạm bơm đi vào hoạt động, phần lớn diện tích đất mỗi năm sản xuất một vụ trước đây được tăng lên hai vụ. Tuy nhiên, do tuyến kênh này xây dựng cách đây đã 12 năm, nên hiện nay đã xuống cấp, nhiều đoạn bị rò rỉ gây thất thoát nước. Anh Võ Trung Kiên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bảo Vinh, cho biết: Hằng năm, vào vụ sản xuất, HTX đều chi ba, bốn chục triệu đồng để sửa chữa, nhưng do bờ kênh xây bằng gạch lâu ngày bị mục nên gia cố được nơi này lại phát sinh hư hỏng nơi khác. Việc kênh bị xuống cấp dẫn đến tình trạng nơi không cần nước thì bị úng, nơi cần nước thì không có.
Theo thiết kế, trạm bơm có 4 máy chạy bằng mô-tơ điện, cung cấp nước sản xuất cho 100 ha đất. Tuy nhiên do bờ kênh thấp, lòng kênh hẹp (nơi rộng nhất khoảng 1 m), nên chạy hết công suất là nước tràn ra ngoài. Hiện nay, trạm bơm chỉ chạy cầm chừng 2 máy, mỗi ngày tưới được 2,5 ha, trong khi nhu cầu mỗi ngày có 40 ha cây trồng ở địa phương cần tưới nước. Nông dân Nguyễn Văn Thọ, giãi bày: “Do thiếu nước, nên vụ hè - thu năm nay nhiều diện tích đất của bà con trong thôn bị bỏ hoang ”.
Cây bắp lai vụ hè thu của nông dân thôn Bảo Vinh đang cần nước tưới. Ảnh: Sơn Ngọc
Anh Nguyễn Thanh Truyền, Trưởng BQL thôn Bảo Vinh, cho biết: Không riêng đoạn kênh được Nhà nước hỗ trợ xây dựng trước đây bị hư mà 3,4 km kênh đất do bà con tự làm ở địa phương cũng rất xập xệ. Do năm nào HTX Nông nghiệp Bảo Vinh cũng phải bỏ tiền ra để sửa chữa, nạo vét kênh, nên thủy lợi phí đội lên rất cao. Trước đây, trồng 1 sào bắp mỗi vụ bà con lấy 10 đợt nước, hết 100.000 đồng, nhưng hiện nay phải trả 180.000 đồng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND xã có ý kiến với cấp trên hỗ trợ kinh phí bê-tông hóa kênh mương nội đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được.
Qua làm việc với UBND xã Phước Vinh, được biết hiện UBND huyện Ninh Phước đã chuyển cho xã số tiền 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn “Tam nông” để cứng hóa kênh mương nội đồng trên địa bàn. Xã ưu tiên phân bổ cho thôn Bảo Vinh 700 triệu đồng nâng cấp tuyến kênh trên trong thời gian tới. Đây là tin mừng đối với bà con nông dân thôn Bảo Vinh. Vấn đề bà con quan tâm hiện nay là mong sớm việc kiên cố hóa kênh mương được triển khai để bà con có điều kiện phát triển sản xuất nâng cao đời sống.
Anh Tùng