Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh: Hội thảo “Hiện trạng nuôi tôm và các giải pháp ngăn ngừa Hội chứng tôm chết sớm”

(NTO) Sáng ngày 27-7, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) phối hợp với Chi cục Thú y và Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức hội thảo “Hiện trạng nuôi tôm và các giải pháp ngăn ngừa Hội chứng tôm chết sớm”. Tham dự có ông Nguyễn Lê Huy Vũ, Phó Tổng giám đốc; Mr. Bonchong Buahung, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam và đại diện 150 hộ nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục NTTS tỉnh, trong tổng diện tích 1.450 ha ao đìa toàn tỉnh có 900 ha thả tôm nuôi, từ đầu năm đến nay đã có 426,5 ha tôm nuôi bị bệnh, chiếm tỷ lệ 47,38% diện tích thả nuôi. Ngoài một số diện tích tôm chết do bị bệnh đốm trắng (3ha), bệnh đục cơ (1,45 ha), bệnh hoại tử cơ quan tọa máu và biểu mô (4,2 ha), phần lớn diện tích (417,85 ha) có tôm bệnh chết chủ yếu là do hội chứng tôm chết cấp tính khoảng 10-40 ngày tuổi nhưng chưa xác định tác nhân gây bệnh. Bệnh xảy ra ở cả tôm chân trắng và tôm sú. Dấu hiệu bệnh giai đoạn đầu triệu chứng chưa rõ, giai đoạn tiếp theo tôm mềm vỏ, biến màu, chậm lớn. Giải phẩu cho thấy tôm có đường ruột rỗng, gan nhũn vỡ hoặc sưng to.

Giới thiệu kỹ thuật nuôi tôm an toàn sinh học  tại hội thảo

Tuy tác nhân gây bệnh chưa được tìm thấy, nhưng theo nhận định ban đầu của các cơ quan chức năng, nguyên nhân còn có thể do tình hình thời tiết biến đổi phức tạp gây sốc môi trường. Mặt khác các vùng nuôi chưa tương xứng giữa trình độ kỹ thuật nuôi và việc đầu tư hệ thống ao nuôi theo tiêu chuẩn; các biện pháp an toàn sinh học chưa được người nuôi lưu ý; việc sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh không theo nguyên tắc và hướng dẫn; công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản thiếu đồng bộ, chưa hợp lý về cơ chế hỗ trợ hóa chất dập dịch.

Qua thảo luận và trao đổi kinh nghiệm, Hội thảo đã nhất trí đề ra giải pháp trước mắt và lâu dài là: Tăng cường công tác giám sát vùng nuôi, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh để người nuôi có biện pháp đề phòng; tập huấn, hướng dẫn cơ sở nuôi về các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, biện pháp an toàn sinh học, khuyến cáo nhân rộng mô hình thành công, các biện pháp kỹ thuật mới, cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất giống có uy tín, chất lượng. Đặc biệt nỗ lực tìm ra tác nhân gây bệnh, rà soát quy hoạch vùng nuôi, lựa chọn các biện pháp kỹ thuật mới để áp dụng phù hợp với điều kiện ao đìa và khả năng quản lý.