Thế nhưng sau hơn 1 năm, diện tích trồng tre điền trúc vẫn giữ nguyên, vì sao như vậy?
Trong những năm qua, ngoài những cây trồng rừng phòng hộ truyền thống như điều, neem, cóc hành và thông 2 lá, công ty đã mạnh dạn đề xuất thực hiện trồng mô hình thực nghiệm cây tre điền trúc. Bắt đầu trồng từ năm 2006 và nhân rộng trong năm 2007 với tổng diện tích 7 ha tại các thôn Suối Rua (Phước Tiến) và Ma Lâm (Phước Tân) thuộc huyện Bác Ái, trong đó có 3 ha mô hình thực nghiệm và 4 ha nhân rộng. Đến thời điểm năm 2011, tre điền trúc còn được đánh giá đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài mục đích tăng độ che phủ của rừng còn mang lại giá trị kinh tế qua khai thác măng, thân cây, góp phần cải thiện đời sống cho người dân trong vùng dự án và doanh thu cho đơn vị. Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng diện tích tre điền trúc là cần thiết và thiết thực đối với người dân địa phương, trong giai đoạn tới tỉnh nên có kế hoạch hỗ trợ cây giống và chi phí trồng, giúp người dân phát triển trồng tre lấy măng.
Tuy nhiên, cũng từ sau hội nghị nói trên, sự chững lại của mô hình trồng tre điền trúc lấy măng đã bộc lộ rõ. Theo anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến, việc nhân giống cây tre điền trúc không thể thực hiện được như kỳ vọng vì nhu cầu lấy giống trồng quá ít. Thường khi nào có người đặt hàng, công ty mới tiến hành nhân giống nhưng nếu người mua chỉ mua 20-30 cây giống, công ty không thể đáp ứng được vì với số lượng cây quá ít theo giá 6.000-7.000 đồng/cây sẽ không đủ bù vào vốn. Anh Trần Anh Vũ, Giám đốc công ty giải thích: “Để nhân giống cần phải mua xơ dừa, trả công ghép, chiết cây và nhiều chi phí khác nên nếu chỉ cung cấp số lượng nhỏ lẻ như vậy sẽ không đủ “sở hụi”. Nhưng muốn tiêu thụ nhiều thì không kiếm đâu ra thị trường”. Một trong những nguyên nhân thị trường giống tre điền trúc bão hòa, ngoài nhiều đầu mối cung cấp, còn do giá thành phẩm măng không cao. Chúng tôi được biết măng tre điền trúc nếu ăn tươi thì rất ngon, nhưng khi phơi khô không dai và ngon bằng măng tre tự nhiên bản địa. Dịp tết vừa rồi, trong khi măng tre tự nhiên khô bán với giá từ 100 ngàn đồng/kg trở lên thì măng tre điền trúc khô chỉ có giá 80.000 đồng/kg và rất ít người chọn mua. Một điểm nữa là giống tre điền trúc cần có mưa, đủ độ ẩm mới lên măng (hầu như tre chỉ cho măng vào mùa mưa), so ra không thể bằng tre địa phương vốn thích ứng với mọi thời tiết.
Anh Nguyễn Văn Quang cho biết thêm: “Trước đây công ty chúng tôi có hợp đồng với 1 người dân thôn Ma Lâm ở khu vực trồng tre điền trúc trên đường vào thác Cha-pơ, theo đó ông sẽ giữ và được quyền thu hoạch măng đem bán. Thế nhưng chỉ sau 1 năm, thấy không hiệu quả kinh tế, ông đã xin thôi và người dân cũng chẳng mặn mà gì với việc trồng cây tre điền trúc dù được công ty vận động, hỗ trợ giống”. Như vậy tre điền trúc chẳng những không tăng thêm diện tích trồng mà còn giảm dần hiệu quả kinh tế, rõ nhất là giống và sản phẩm măng không thể tiêu thụ và cạnh tranh được với măng tự nhiên bản địa. Tuy nhiên Thạc sĩ Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải thích ngược lại: “Thực ra tre điền trúc chỉ cần đủ độ ẩm là cho măng quanh năm, sở dĩ có tình trạng như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến phản ánh là vì do trồng trên đất núi, thiếu độ ẩm vào mùa khô nên sản lượng thu hoạch ít chứ chưa hẳn là giảm hiệu quả kinh tế”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là có nên phát triển diện tích trồng tre điền trúc ở Bác Ái? Cần nói rõ tuy có giảm bớt giá trị kinh tế do thị trường tiêu thụ bão hòa, nhưng tre điền trúc đã chứng minh là loài cây trồng rừng phòng hộ rất hiệu quả để chống xói mòn trên đất dốc, ven sông suối, làm tăng độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo Thạc sĩ Bùi Anh Tuấn, mở rộng diện tích tre điền trúc là điều cần làm, nhưng hiện nay do thiếu vốn phải tạm dừng lại, nếu muốn tiếp tục phát triển diện tích trồng tre điền trúc, huyện Bác Ái và doanh nghiệp trồng rừng cần lồng ghép với các chương trình, dự án để có vốn thực hiện.
Bạch Thương