Mục tiêu của diễn đàn nhằm tham vấn xây dựng các chính sách, khuyến khích và hợp tác đầu tư vào công nghệ cao cho nông nghiệp, nhằm gia tăng hiệu suất và giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam . Thông qua diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội và nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm đẩy mạnh việc nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa nền nông nghiệp nông thôn. Từ thực tế cho thấy, các khu nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt được thành công nên không được khuyến khích. Việt Nam chủ trương tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cao và các vùng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp nhận định, hiện ở Việt Nam hình thức nông nghiệp công nghệ cao mới mang tính thử nghiệm, mô hình còn chưa phù hợp, chưa hướng được vào thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Chính phủ cần định hướng thị trường chiến lược cho các doanh nghiệp thông qua ký các cam kết quốc gia; đồng thời có chính sách ưu đãi thích hợp về đất đai, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực…
Thành công bước đầu của Công ty thực phẩm sữa TH True Milk cũng nhờ vào áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á, đại diện Tập đoàn TH Group, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Bộ Nông nghiệp cần đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách khác biệt để khích lệ các doanh nghiệp; ban hành quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ cao trong nông nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa…
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 176/QĐ-TTg về Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nay đến năm 2020; trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đề án đặt ra mục tiêu trước mắt đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ 3 – 5 doanh nghiệp và từ 2 – 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nguồn agroviet.gov.vn