Ngân sách nhà nước sẽ giải ngân mỗi thàng 22,9 nghìn tỷ đồng

Tại hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư- Cao Viết Sinh nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2012, tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN), trái phiếu Chính phủ (TPCP) và khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2012 sẽ có bình quân khoảng 22,9 nghìn tỷ đồng vốn NSNN và TPCP được giải ngân mỗi tháng.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2012, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khá thấp nhưng tới tháng 6, tốc độ giải ngân đã tăng mạnh, đạt 14% dự toán năm. Tuy nhiên, tính lũy kế 6 tháng, vốn giải ngân chỉ đạt 34% dự toán.

Sở dĩ vốn giải ngân 6 tháng đầu năm 2012 thấp là do đầu năm phải kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công dẫn đến vốn kế hoạch cho đầu tư cơ bản bị ứ đọng và lượng vốn giải ngân ít.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế- Nguyễn Văn Cao cho biết, đầu năm, chủ đầu tư bao giờ cũng chậm trong các thủ tục liên quan đến giải ngân, đặc biệt giải ngân chậm ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đền bù giải phóng mặt bằng. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn cho triển khai dự án.

Tuy nhiên, đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, các cơ quan liên quan tới công tác giải ngân đã có giải pháp cụ thể, làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, cơ quan của địa phương. Tháng 6 việc giải ngân đã tăng mạnh, gấp 3 lần so với mức bình quân của các tháng trước đó.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN và TPCP 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, 6 tháng cuối năm 2012 sẽ đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, nhất là đối với vốn đầu tư từ NSNN , vốn TPCP, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA.

Từ nay đến cuối năm theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên tiếp trong 5 tháng còn lại, ít nhất phải giải 21.000 tỷ đồng/tháng, nếu tính vốn đối ứng và vốn khác, con số này sẽ vào khoảng 22,9 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng tổng cầu, giảm hàng tồn kho và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nguồn Báo Công Thương điện tử