Nhóm nghiên cứu báo cáo bao gồm: GS.Hubert Schmitz, Viện Nghiên cứu Phát triển, Đại học Sussex, Vương quốc Anh; Th.S Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế, VCCI; TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI và TS. Neil McCulloch, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Cơ quan phát triển quốc tế Ôx-trây-li-a tại In-đô-nê-xi-a.
Toàn cảnh buổi công bố báo cáo. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Theo GS.Hubert Schmitz: Việt Nam tiếp tục làm thế giới ngạc nhiên về tốc độ và cải cách sâu rộng nền kinh tế. Sự phân cấp một số quyền hạn nhất định về kinh tế của Trung ương cho địa phương là yếu tố đóng góp cho những thành công này. Nghiên cứu của nhóm tác giả đã xem xét động lực thúc đẩy cải cách kinh tế ở các tỉnh của Việt Nam, cho phép đưa ra một số kết luận và chỉ rõ rằng các doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng của cải cách kinh tế ở cấp tỉnh. Nghiên cứu không nhận thấy có mối liên kết chính thức giữa khu vực công và khu vực tư nhưng đã chỉ ra rằng một chính quyền năng động luôn nhìn thấy vai trò của doanh nghiệp, nhất là của khu vực tư nhân, và một khu vực tư nhân luôn tìm kiếm sự hợp tác hỗ trợ hiệu quả của chính quyền sẽ mang lại những lợi ích chung thiết thực. Cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có vai trò trong quá trình cải cách nhưng tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp nhỏ thì ở mức độ thấp hơn.
Báo cáo còn trình bày một số kết quả của một nghiên cứu mới được thực hiện bởi VCCI cùng với các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu phát triển Vương quốc Anh. Theo nghiên cứu này, sự phân cấp một số quyền hạn nhất định về kinh tế của trung ương cho địa phương là yếu tố đóng góp cho thành công của Việt Nam trong việc cải cách nhanh và sâu rộng nền kinh tế.
“Cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách ở những tỉnh có những cải tiến bền vững về chất lượng điều hành kinh tế địa phương. Tuy nhiên, như bất cứ một cuộc cải cách nào, yêu cầu tiên quyết là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính quyền tỉnh, cũng như sự cởi mở để làm việc với khu vực doanh nghiệp để giải quyết vấn đề của họ” – nghiên cứu nhấn mạnh.
Được biết, nghiên cứu được tiến hành dựa vào phân tích định tính kết quả trên 120 cuộc phỏng vấn với các doanh nghiệp các thành phần kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp, các quan chức chính phủ và học giả ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp, Cà Mau và Hà Nội cũng như phân tích định lượng ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam